Thanh khoản ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong năm 2022

(BKTO) - Dự báo cả năm 2022, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021.



                
   

70,4-75,9% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022. Ảnh:Internet

   

Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý IV/2022.

Huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng, thanh khoản cải thiện

Theo báo cáo, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 được các TCTD nhận định tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt”.

Trong quý IV/2022, các TCTD dự kiến tình hình thanh khoản tiếp tục “cải thiện” nhưng chậm lại so với quý III/2022. Dự báo cả năm 2022, các TCTD tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý IV/2022 và tăng 10,2% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,1% trong quý IV/2022 và tăng 14,9% trong năm 2022, xấp xỉ mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước (15%).

Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có xu hướng tăng

Tại kỳ điều tra này, 31,6% TCTD cho biết đã điều chỉnh “tăng nhẹ” lãi suất biên trong khi tiếp tục “giữ ổn định” phí dịch vụ trong quý III/2022.

Trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành (ngày 23/9/2022), mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tiếp tục được các TCTD kỳ vọng xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Theo đó, 59 - 61% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV/2022 (chỉ có 7 - 9% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ) và 66 - 69% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 - 0,57 điểm phần trăm trong năm 2022 (có 8 - 10% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm).

Trên cơ sở đó, các TCTD dự báo cả lãi suất biên và phí dịch vụ đều có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Ngân hàng kỳ vọng lạc quan về nợ xấu và mặt bằng rủi ro

Đúng như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định có chiều hướng giảm trong quý III/2022. Tuy nhiên, các TCTD dự báo mặt bằng rủi ro có thể tăng nhẹ trở lại trong quý IV/2022.

Tính chung cả năm 2022, mặt bằng rủi ro vẫn được kỳ vọng có xu hướng cải thiện rõ rệt và giảm nhẹ so với mặt bằng chung của năm 2021.

Các TCTD tiếp tục kỳ vọng lạc quan về tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong các tháng cuối năm 2022.

Theo đánh giá của các TCTD, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý III/2022 tiếp tục đà phục hồi bền vững kể từ quý IV/2021 với mức cải thiện của quý sau cao hơn quý trước, trong đó, nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện mạnh nhất.

Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và các TCTD khác. Trên cơ sở đó, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “tăng” với tốc độ mạnh hơn trong quý IV/2022 và cả năm 2022 so với kỳ trước, trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4-75,9% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022 với mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Về lợi nhuận trước thuế trong năm nay, 88,3% TCTD dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Trong quý III/2022, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước.

Theo các TCTD, trong số các nhân tố khách quan, “Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2022.

Trong khi đó, “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD./.
         
Cuộc điều tra được Vụ Dự báo, Thống kê tiến hành từ ngày 25/8 đến ngày 10/9/2022, kết thúc 2 tuần trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành vào ngày 23/9/2022. Đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao tính tự chủ của các ngành công nghiệp Việt
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, nhà quản lý, muốn phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
  • Đến tháng 8/2022, khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng Mobile Money
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - 2,2 triệu người dùng Mobile Money đến thời điểm hiện nay là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với số lượng thuê bao điện thoại thì đây là con số rất nhỏ bé, cần có giải pháp để thúc đẩy phát triển hơn.
  • Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đang dần trở thành xu hướng tất yếu và là “cuộc đua” của các doanh nghiệp bất động sản nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
  • Thị trường lao động, việc làm tiếp tục đà phục hồi
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III tiếp tục duy trì đà phục hồi.
  • Tích cực hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau 5 năm triển khai Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Thanh khoản ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong năm 2022