Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

(BKTO) - Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết của Quôc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, nhất là trong thời gian còn lại của năm 2021 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. Ảnh: Chính phủ

   

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, trong đó đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó làm rõ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách cần thiết khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để điều chỉnh nội dung báo cáo tại Kỳ họp tháng 12/2021 của Quốc hội.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các dự án đầu tư công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và cân đối ngân sách; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác. Xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung về chính sách miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho cơ sở, DN giáo dục và các dịch vụ giáo dục trong 2 năm bị ảnh hưởng 2020-2021 và cho giai đoạn 2022-2027 nhằm giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công-tư vào phát triển, phục hồi một cách nhanh nhất và duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát tình hình nợ xấu để kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình.

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) thông qua các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính miễn, giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống Covid-19

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với các địa phương để điều hành phân bổ vaccine phù hợp. Đẩy mạnh tiêm vaccine bao phủ mũi 1, mũi 2 và cơ bản tiêm xong trong tháng 11/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; tiêm tăng cường cho các đối tượng nguy cơ cao. Rà soát, kịp thời điều chuyển vaccine tại những địa phương tiêm chậm để chuyển sang các địa phương khác đang có nhu cầu. Tiếp tục thúc đẩy đàm phán, mua nhập khẩu thuốc điều trị Covid-19. Xây dựng kế hoạch vaccine theo từng tháng đến cuối năm 2021 và cho năm 2022. Đẩy nhanh thử nghiệm vaccine, thuốc điều trị Covid-19, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để sớm xem xét, cấp phép sản xuất trong nước. Đối với thuốc mới điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy và xem xét cụ thể theo thẩm quyền và theo quy định hiện hành, bảo đảm đúng quy định, khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Đồng ý về chủ trương việc thừa nhận kết quả cấp phép thuốc mới điều trị Covid-19 của các nước tiên tiến để sử dụng tại Việt Nam. Giao Bộ Y tế triển khai thực hiện cụ thể theo quy định hiện hành, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc xã hội hóa, kết hợp công tư trong phòng, chống dịch bệnh; công khai giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong tháng 11/2021. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chung về giá xét nghiệm, bảo đảm công khai, minh bạch. Đề xuất kế hoạch mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm kit xét nghiệm và thuốc dự trữ tại các vùng, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam, tạo thuận lợi cho xuất nhập cảnh và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiều nội dung quan trọng khác như: Hỗ trợ có hiệu quả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch; hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên; tập trung thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế; thúc đẩy đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội