Bài 4: Từ tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế

Trải qua 80 năm lịch sử, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn luôn soi sáng những chặng đường phát triển văn hóa Việt Nam. Tinh thần và nội dung của Đề cương được lĩnh hội và phát triển qua các văn kiện của Đảng, coi văn hóa là một trụ cột phát triển bền vững; phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã trao đổi về vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển ngành CNVH.

188aa31b961d4b43120c-1-.jpg
Cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh sưu tầm

Thưa ông, từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay, Đảng ta kiên định và không ngừng phát huy, nâng tầm giá trị Đề cương về phát triển văn hóa khi coi đây là một trụ cột phát triển quan trọng, cùng với kinh tế. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Với sự ra đời của Đề cương về văn hóa, vai trò của văn hóa cách mạng được khẳng định và đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với kinh tế, chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn hóa không chỉ chịu sự quyết định của kinh tế, mà còn tác động quan trọng đến phát triển của chính trị, kinh tế, xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng được Đảng ta nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn: Văn hóa không dừng lại là một điểm tựa tinh thần, mà còn có đóng góp to lớn cho nền kinh tế.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã xác định “Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đã thể hiện một bước tiến lớn trong nhận thức và hành động của Đảng, khi đưa ra nội dung “Phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Tiếp đó, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa”. Mới đây, Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” đã khẳng định cần tiếp tục vận dụng, kế thừa những quan điểm cốt lõi của Đề cương; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa theo đúng định hướng của Đảng, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.

Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế không chỉ dừng lại là những nguồn lực tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Thực tế đã chứng minh rằng, rất nhiều lĩnh vực văn hóa nếu được khai thác hợp lý sẽ có khả năng đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân. Đơn cử, chỉ riêng ngành du lịch đã đóng góp hơn 9,2% vào GDP (năm 2019), tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đặt ra những chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể của văn hóa...

Theo ông, đâu là thách thức cản trở sự phát triển của văn hóa, xét cả về khía cạnh mang lại giá trị kinh tế, lẫn chăm lo củng cố nền tảng tinh thần xã hội?

Trên cơ sở các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển văn hóa, các chính sách, quy định pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ra đời, giúp văn hóa từng bước khẳng định vai trò quan trọng và có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.

Dù đã có nhiều cố gắng, song công tác cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Cơ chế quan liêu, bao cấp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các chính sách về văn hóa nghệ thuật chậm đổi mới và chưa theo kịp thời đại, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp hiện nay…

Mặc dù nguồn lực đầu tư cho văn hóa được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có tăng lên qua từng giai đoạn, song vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách trung ương cho lĩnh vực văn hóa - thông tin chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước. Do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, dẫn đến cơ sở hạ tầng vật chất - kỹ thuật phục vụ cho CNVH chưa được chú trọng đầu tư, nâng cấp thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành CNVH; cũng như chưa thu hút được đội ngũ nhân lực có năng lực, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, công tác xã hội hóa được kỳ vọng tạo sự đột phá trong đầu tư, phát triển văn hóa, song thực tế việc huy động nguồn lực này còn hạn chế. Trong 5 năm 2016-2020, ngành văn hóa, nghệ thuật… chỉ đạt 1,26% trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Nguyên nhân là do một số chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa tạo ra động lực thực sự cho các cá nhân và cộng đồng...

8b4d31dc04dad98480cb.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. 

Từ việc nhận diện rõ những điểm nghẽn trong phát triển CNVH, theo ông cần có giải pháp gì để phát huy hiệu quả nguồn lực này, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng đến phát triển bền vững?

Để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, từ đó đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, cũng như góp phần phát triển văn hóa bền vững theo định hướng của Đảng, các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; văn hóa phải thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế”. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hướng đến phát triển văn hóa, ngành CNVH.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH. Trong đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về quảng cáo, du lịch, bản quyền... cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường và công nghệ số.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính phát triển các ngành CNVH; đảm bảo mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra (hiện nay chi ngân sách cho ngành văn hóa mới chỉ đạt 1,71%).

Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các ngành CNVH có thế mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại số, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, trước mắt là đầu tư phát triển hạ tầng số trọng điểm cho một số ngành CNVH.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội hóa, tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động văn hóa; thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa... Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa; tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp này thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Tăng lương hưu để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu cho tất cả những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/7/2023. Dù đây mới chỉ là đề xuất nhưng nhiều người nghỉ hưu cảm thấy rất phấn khởi.
  • Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2023, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản về thị trường lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…
  • Dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc tại một số địa phương
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đối với người ở 8 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh: Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp.
  • Hội Báo toàn quốc 2023: Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 17 đến 19/3), tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút 87 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và quý I/2023, với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…
  • Cấp bách gỡ vướng trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân. Đặc biệt, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bài 4: Từ tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế