26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19

(BKTO) - Thông tin trên đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 diễn ra chiều tối 01/7.



                
   

Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine, nỗ lực phục hồi kinh tế

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa làm đứt gãy các dòng đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêm chủng vaccine chưa đồng đều giữa các quốc gia. Trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải…; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; số DN rút khỏi thị trường ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép”

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ thực hiện giãn cách, phong tỏa khi thật sự cần thiết và trong phạm vi phù hợp. Xây dựng và triển khai chiến lược vaccine theo hướng mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; theo dõi sát diễn biển giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, nhất là chính sách thuế xuất, nhập khẩu…

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hạ tầng logistics, giao thông; quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm gắn kết, hiệu quả.

Tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm học 2020-2021 nghiêm túc, an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tổng số tiền hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực phi phương án cắt giảm các quy định…

Đối với Dự thảo Quyết định về tiêu chí phân loại DNNN, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngảy 28/12/2016; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2021.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua, như: kịch bản đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, tình hình dịch COVID-19 tại TP. HCM, gói an sinh xã hội lần thứ 2, cơ chế hỗ trợ DN nghiên cứu vaccine trong nước, việc tổ chức kỳ thi THPT ở TP. HCM trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp…/.
Tin và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19