4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8

(BKTO) - Chiều 28/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin đến báo chí về danh sách Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, tại Kỳ họp này, 4 Bộ trưởng sẽ tham gia trả lời chất vấn là Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin- Truyền thông.



Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, việc lựa chọn vấn đề chất vấn được thực hiện qua xin ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phần mềm điện tử, với 5 nhóm vấn đề chất vấn được đề xuất.

Qua xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, lĩnh vực Nội vụ nhận được 85% đại biểu lựa chọn; lĩnh vực Công thương có 82,4%; lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 78%; lĩnh vực thông tin truyền thông có 77%; lĩnh vực thanh tra có 70%.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về danh sách Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8- Ảnh: quochoi.vn

Trên cơ sở số phiếu lựa chọn của đại biểu Quốc hội, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gồm: nhóm vấn đề về lĩnh vực Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tin- Truyền thông.

Về nội dung chất vấn cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đối với lĩnh vực Nội vụ, các nội dung chất vấn gồm: việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Nội dung này sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm trả lời chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục- Đào tạo, Y tế sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan.

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương, nội dung chất vấn chính gồm: công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch- đầu tư, Tài chính, Tài nguyên- Môi trường, Khoa học- Công nghệ, Thông tin- Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời.

Nội dung chất vấn nhóm lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng và hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chịu trách nhiệm trả lời chính. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Y tế, Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Khoa học- Công nghệ, Thông tin- Truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng cùng tham gia giải trình những vấn đề có liên quan.

Đối với lĩnh vực Thông tin- truyền thông, nội dung chất vấn gồm: công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Cùng tham gia trả lời chất vấn là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học- Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 03 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phương thức chất vấn vẫn là "hỏi nhanh đáp gọn".

Theo thông lệ của kỳ họp cuối năm, sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chung về một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

Theo chương trình dự kiến, phiên chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 6- 8/11. Các buổi chất vấn đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Chủ tịch Quốc hội hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều tối ngày 28/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào nhân dịp sang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2019).
  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 28/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào nhân dịp Đoàn sang dự Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.
  • Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 28/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ do ông Kurt Campbell, Chủ tịch Asia Group làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
  • Năm 2020, dự toán thu tăng 7,2% so với dự toán năm 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bộ Tài chính vừa công khai báo cáo dự toán NSNN năm 2020 trình Quốc hội. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến dự toán thu cân đối NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng; trong đó, thu nội địa là hơn 1,26 triệu tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu. Dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019, bằng 25,7%GDP. Trong đó: dự toán chi đầu tư phát triển là 470,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN và là năm có tỷ trọng cao nhất từ năm 2016 đến nay.
  • Năm 2022: Dự kiến bội chi NSNN khoảng 3,5%GDP
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bộ Tài chính vừa công bố Kế hoạch tài chính- NSNN 3 năm 2020-2022 trình Quốc hội. Theo đó, phấn đấu thu NSNN 4,9 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 21-22%GDP; từ thuế, phí khoảng 19-20%GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2022 dự kiến khoảng 84-85%.
4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8