Thách thức gia tăng với các doanh nghiệp
4 thách thức lớn nhất mà DN bảo hiểm phải đối mặt trong thời gian tới, bao gồm: Cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; Rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh…; Thu nhập của khách hàng giảm sút; Vấn đề trục lợi bảo hiểm. Đáng chú ý, kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của cả 4 thách thức trên đều gia tăng so với năm trước.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sáttháng 6/2020 và tháng 6/2021 |
Mức độ cạnh tranh trong ngành gia tăng là một vấn đề không mới đối với ngành bảo hiểm. Phần lớn DN bảo hiểm tỏ ra tự tin hơn với những đột phá nhờ công nghệ, độ đa dạng của sản phẩm và chất lượng đội ngũ tư vấn viên/đại lý.
Trong khi đó, sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, phí bảo hiểm hay độ phủ mạng lưới phân phối giữa các DN bảo hiểm đã giảm đi đáng kể. Đó là do trong suốt một năm vừa qua, ngành bảo hiểm đã chuyển biến một cách tích cực, khách hàng có cơ hội tiếp cận bảo hiểm nhanh chóng hơn với nhiều trải nghiệm và chuyên nghiệp hơn.
Thách thức lớn đối với các DN bảo hiểm là sự giảm sút trong thu nhập của khách hàng. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của Covid-19 trong năm 2020. Xét riêng quý 1/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020).
Điều này cho thấy, túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước. Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2021 dự báo tăng khá mạnh (có thể ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020), áp lực lạm phát Việt Nam cũng đã bắt đầu “nhen nhóm” do ảnh hưởng bởi độ trễ của lượng cung tiền.
Theo đó, lạm phát có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành bảo hiểm thông qua 4 kênh: yêu cầu bồi thường, chi phí, thu nhập đầu tư và bảng cân đối kế toán. Trong đó, kênh yêu cầu bồi thường là chịu tác động mạnh nhất: lạm phát dẫn đến chi phí bồi thường cao hơn, làm xói mòn lợi nhuận. Sự gia tăng lạm phát càng đột ngột thì tác động càng nghiêm trọng do phí bảo hiểm không thể điều chỉnh được.
Ba động lực tăng trưởng giai đoạn tiếp theo
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 3 động lực tăng trưởng của ngành bao gồm: Nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm ngày càng được cải thiện; Công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm và Kênh phân phối bảo hiểm đa dạng.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sáttháng 6/2020 và tháng 6/2021 |
Do ảnh hưởng của đại dịch, sự cải thiện về nhận thức của người dân về bảo hiểm đã trở thành động lực quan trọng nhất của ngành theo đánh giá của 70,6% số DN tham gia khảo sát, tăng mạnh so với mức 61,9% của năm 2020. Đây là yếu tố có mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm đạt 3,82 điểm trên thang điểm 5.
Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP nước ta hiện còn thấp. Đến năm 2020, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%. Với đà này, tới năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5% GDP.
Một động lực khác có mức độ gia tăng ảnh hưởng là sự đa dạng trong các kênh phân phối (chiếm 52,9% số DN bảo hiểm). Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các kênh phân phối và dịch vụ kỹ thuật số sẽ dần thay thế các kênh truyền thống, tuy nhiên với những yêu cầu và quyết định có tính phức tạp thì kênh truyền thống như đại lý bảo hiểm lại được khách hàng ưu tiên lựa chọn nhiều hơn.
Trong đại dịch, một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và rất ít người sẽ quay lại thói quen trước đây của họ. Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra rằng, từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh dịch vụ kỹ thuật số tăng mạnh nhất với 69,2% số DN bảo hiểm.
Kênh phân phối qua ngân hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng ít hơn một chút (66,7%). Trong khi đó, doanh thu từ kênh đại lý bị chững lại tại 46,7% số DN bảo hiểm. Số liệu thống kê cho thấy, so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh phân phối qua ngân hàng hiện nay đã xấp xỉ doanh thu từ kênh đại lý. Khi nhiều mảng kinh doanh như tín dụng, ngoại hối… dự báo sụt giảm do tác động từ dịch Covid-19, kênh phân phối qua ngân hàng đã bùng nổ và trở thành “vị cứu tinh” của các ngân hàng.