Theo Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, với độ lùi về thời gian, 40 năm là khá đủ cho chúng ta nhận diện một cách đầy đủ và toàn diện hơn những vấn đề căn cốt xung quanh cuộc chiến năm 1979, đặc biệt là bối cảnh lịch sử, tính chất cũng như mục tiêu của nó. Và việc nhìn nhận lại cuộc chiến này, tuy có phần muộn nhưng hoàn toàn cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng không phải ngẫu nhiên xảy ra xung đột giữa hai nước láng giềng. Có thể nói, ngay sau ngày Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bầu không khí đã có phần căng thẳng; cường độ và các hoạt động xung đột vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc ngày càng nóng dần, dày lên, tỷ lệ thuận với tình hình Campuchia, cụ thể là cuộc xung đột của Polpot trên biên giới Tây Nam. Ngay sau khi quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia lật đổ chế độ Polpot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, ngày 17.2.1979, địch huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công tổng lực, đồng loạt, bất ngờ toàn tuyến biên giới phía Bắc, với chiều dài trên 1.000km, từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Cuộc tấn công được chia làm 2 cánh, một từ Quảng Ninh đến Cao Bằng và một từ Cao Bằng đến Lai Châu. Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long cho rằng, đây là một cuộc chiến diễn ra ngắn ngày nhưng quy mô cực lớn, trải suốt chiều dài 6 tỉnh biên giới, được chuẩn bị công phu từ kế hoạch đến phương án đánh chiếm bài bản.
Về phía ta, sau khi tiến hành thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, một lần nữa quân và dân ta lại phải cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây là điều bắt buộc không mong muốn. Theo Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Long, mục đích cuộc chiến xâm lược Việt Nam (mà đối phương gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học”) có ý đồ sâu xa hơn rất nhiều so với nhận thức của nhiều người. Thứ nhất, cuộc xâm lấn này muốn gây sức ép buộc Việt Nam phải rút toàn bộ quân ra khỏi đất liền Campuchia, tạo điều kiện cho chế độ diệt chủng Polpot quay trở lại, đúng hơn buộc Việt Nam rút bớt lực lượng từ biên giới Tây Nam ra biên giới phía Bắc. Thứ hai, xâm lấn biên giới Việt Nam. Thứ ba, làm cho chúng ta mất ổn định, phải dồn sức cho cuộc chiến đấu tiến tới suy yếu để dễ bề khuất phục. Thứ tư, thực hiện một số cam kết với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam thời hậu chiến.
Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội có thể để cứu vãn hòa bình và không mong muốn chiến tranh, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, trên mình còn đầy thương tích, lại tiếp tục bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Đặc biệt, đây là thời điểm chúng ta đang bắt đầu quá trình hồi phục và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, cuộc tiến công của đối phương đã gây bất ngờ lớn cho dư luận và gây thiệt hại đáng kể cho nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, quân và dân Việt Nam buộc phải cầm súng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lâu nay, nhiều người không cắt nghĩa hoặc nhầm lẫn về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cho rằng nó chỉ kéo dài từ 17.2 - 18.3.1979. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 10 năm sau đó, các tỉnh biên giới phía Bắc không có một ngày yên ổn bởi pháo kích và các cuộc lấn chiếm, xung đột vũ trang triền miên. Đỉnh điểm là năm 1984, khi đối phương tập trung lực lượng lớn tấn công một số điểm cao tại Vị Xuyên, tạo thành mặt trận khốc liệt, khiến cái tên Vị Xuyên trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Có thể nói, cuộc chiến chính thức chỉ kết thúc vào giữa năm 1989, khi đối phương rút lực lượng khỏi các điểm lấn chiếm của Việt Nam.
PGS.TS. Trần Ngọc Long khẳng định, cần phải hiểu một cách trọn vẹn, đây là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và chống địch lấn chiếm biên giới, nên dù có biện giải theo cách gì đi nữa, hành động đem quân đi xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền là hành động xâm lược. Bởi có những địa bàn, quân địch tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam tới 40 - 50km (như thị xã Cao Bằng). Suốt thời gian này, trước sức tấn công ào ạt của kẻ thù, quân dân các tỉnh biên giới vẫn bình tĩnh chống trả, kiên cường bám trụ. Quân và dân tạo thành một khối thống nhất với thế trận “thiên la địa võng”, ngăn cản sức tiến công trên diện rộng, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, tiến nhanh” của địch.
Theo daibieunhandan.vn