Ảnh minh họa |
Đã 6 tháng kể từ khi đại dịch covid-19 bùng phát, đến thời điểm hiện tại, dãn cách xã hội đã trở thành biện pháp chính để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì biện pháp này trong thời gian dài sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Giờ đây, một nghiên cứu mới đã đưa ra một chiến lược tiềm năng có thể chống lại dịch Covid-19 và làm giảm tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế.
Theo nghiên cứu, việc xen kẽ giữa 50 ngày thực hiện lệnh phong tỏa và 30 ngày nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể kiểm soát đại dịch Covid-19, vừa giúp duy trì nền kinh tế.
"Sự kết hợp không liên tục giữa thời gian thực hiện dãn cách xã hội nghiêm ngặt và giai đoạn nới lỏng sẽ cho phép người dân và nền kinh tế ở các quốc gia “dễ thở hơn”. Đây có thể trở thành một giải pháp bền vững, đặc biệt với các khu vực kém phát triển”. Tiến sĩ Rajiv Chowdhury - tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là nhà dịch tễ học toàn cầu của Đại học Cambridge (Anh) cho biết trong một tuyên bố được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu.
Trong khi vaccine ngừa SARS-CoV-2 có thể cần ít nhất một năm nữa để điều chế thành công, một số nhà nghiên cứu cho rằng các quốc gia có thể xoay vòng giữa các giai đoạn hạn chế và nới lỏng để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không nêu rõ quá trình này có thể kéo dài trong bao lâu.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng mô hình toán học để mô phỏng quỹ đạo bùng phát của dịch Covid-19 ở 16 quốc gia đại diện cho các quốc gia có thu nhập cao, trung bình và thấp. Sau đó, các nhà khoa học đã mô hình hóa một số kịch bản xen kẽ giữa việc nới lỏng giãn cách xã hội và áp dụng lại chúng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2 dạng hạn chế, đầu tiên là các biện pháp giảm thiểu, bao gồm các biện pháp như đóng cửa trường học và hạn chế tổ chức các sự kiện công cộng lớn. Thứ hai là các biện pháp nghiêm ngặt hơn như phong tỏa toàn đất nước.
Nghiên cứu đưa ra các dẫn chứng rằng, khi không áp dụng các biện pháp hạn chế, số bệnh nhân mắc Covid-19 cần được chăm sóc tích cực (chăm sóc ICU) sẽ vượt quá khả năng điều trị tại các bệnh viện ở tất cả 16 quốc gia, dẫn đến nguy cơ có 7,8 triệu ca tử vong do Covid-19.
Ngược lại, nếu các quốc gia áp dụng chu kỳ 50 ngày áp dụng các biện pháp giảm thiểu và sau đó nới lỏng trong 30 ngày, số ca tử vong do Covid-19 sẽ giảm xuống còn 3,5 triệu người tại 16 quốc gia. Ngoài ra, số người trung bình nhiễm virus từ một người mắc bệnh sẽ giảm từ 2,2 xuống 0,8. Tuy nhiên, trong trường hợp này, số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực vẫn vượt quá khả năng của các bệnh viện ở 16 quốc gia sau khoảng 3 tháng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng trong kịch bản này, đại dịch dự kiến sẽ kéo khoảng 12 tháng.
Còn nếu áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn như phong tỏa trong 50 ngày sau đó nới lỏng 30 ngày, số người chết do Covid-19 tại 16 quốc gia sẽ chỉ còn hơn 130.000 và số lượng bệnh nhân cần chăm sóc tích cực sẽ không vượt quá khả năng của bệnh viện. Tuy nhiên, do có ít người mắc Covid-19 hơn trong trường hợp này, nghĩa là số người có khả năng miễn dịch với căn bệnh sẽ giảm, các tác giả của nghiên cứu ước tính đại dịch sẽ kéo dài hơn, trong khoảng 18 tháng.
“Số lượng ca nhiễm bệnh và ca tử vong có thể giảm đáng kể nếu các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được duy trì trong 18 tháng hoặc cho đến khi có vaccine”, các nhà khoa học chia sẻ.
"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những chiến lược mà các quốc gia có thể sử dụng để giúp kiểm soát Covid-19 và trì hoãn tỷ lệ nhiễm trùng bệnh ở mức cao nhất", đồng tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Oscar Franco - giám đốc Viện Y học Dự phòng và Xã hội tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho biết trong tuyên bố. "Điều này sẽ cho phép các quốc gia có thời gian để để củng cố hệ thống y tế, tăng cường nỗ lực phát triển các phương pháp điều trị hoặc chế tạo thành công vaccine".
AN CHI (theo Live Science)