6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng

(BKTO) - Dự kiến, đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đạt 40% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước; 6 tháng cuối năm, Bộ cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng.



                
   
Giá trị giải ngân của Bộ GTVT chủ yếu là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các DN và địa phương - Ảnh minh họa: L.Hòa
   


Năm 2021, Bộ GTVT được phân bổ khoảng 43.401 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đến ngày 22/6, Bộ đã giải ngân được 14.808 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch. Dự kiến đến hết tháng 6, Bộ sẽ phấn đấu giải ngân được khoảng 17.311 tỷ đồng, tương đương 40% tổng số vốn được giao của cả năm (bình quân giải ngân vốn đầu tư công chung cả nước là 22%).

Mặc dù, Bộ GTVT nằm trong số ít Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, tuy nhiên giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các DN và địa phương; riêng phần giải ngân cho khối lượng thi công chưa cao.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng, gồm 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài, 22.065 tỷ đồng vốn trong nước.

Đánh giá về những khó khăn đối với nhiệm vụ giải ngân 6 tháng cuối năm, đại diện Bộ GTVT cho biết, các dự án mới bắt đầu triển khai cuối năm 2020, đang triển khai các hạng mục phần nền, móng nên giá trị thanh toán, giải ngân không nhiều.

Bên cạnh đó, một số dự án ODA đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quá trình đấu thầu kéo dài; ảnh hưởng của dịch Covid-19; biến động giá vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá vật liệu thép xây dựng tăng 40-50% trong thời gian gần đây dẫn đến việc các nhà thầu có biểu hiện thi công cầm chừng... phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Theo Bộ GTVT, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, cần sự quyết tâm cao độ, quyết liệt chỉ đạo điều hành của thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong việc đôn đốc đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tích cực phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng