6 ý nghĩa lớn của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh

(BKTO) - Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP. HCM và làm việc với các thành viên sáng lập của Trung tâm.

1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM. Ảnh: CP

Ngay sau Lễ khánh thành, Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với các thành viên tham gia sáng lập Trung tâm.

Trung tâm C4IR tại TP. HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF. Trụ sở Trung tâm được đặt tại Khu Công nghệ cao (TP. Thủ Đức, TP. HCM), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và TP. HCM trong việc thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và WEF, đặc biệt là sự quan tâm, thúc đẩy của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập WEF.

Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, đại diện Chính phủ Việt Nam và WEF đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Từ năm 2023-2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP. HCM đã chủ động làm việc với WEF và đi đến những kết quả như ký kết tuyên bố chung cho việc thành lập C4IR tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM lần thứ 4 năm 2023 và ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm tại TP. HCM với WEF tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên vào tháng 1 năm 2024 tại Davos, Thuỵ Sỹ.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng, lãnh đạo TP. HCM đã báo cáo về quá trình hợp tác thành lập và sứ mệnh của C4IR; lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế Thế giới giới thiệu về mạng lưới C4IR toàn cầu, C4IR tại TP. HCM và giá trị, triển vọng của sự hợp tác giữa WEF và TP. HCM trong khuôn khổ C4IR; các sáng lập viên báo cáo các kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp sáng lập trong khuôn khổ C4IR.

2.jpeg
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với các thành viên tham gia sáng lập Trung tâm. Ảnh: CP

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao Trung tâm được thành lập trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023 - 2026 và là kết quả của mối quan hệ ngày một phát triển giữa Việt Nam và WEF, trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, phù hợp xu thế thời đại và điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực tích cực của lãnh đạo TP. HCM và cảm ơn lãnh đạo WEF, đặc biệt là GS. Klaus Schwab, các doanh nghiệp sáng lập, các đối tác quốc tế, các tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm này.

Thủ tướng chỉ ra 6 ý nghĩa quan trọng của việc thành lập Trung tâm: Cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Trung ương; đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn trong phát triển đất nước; góp phần vào hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm cũng thể hiện vai trò tiên phong của TP. HCM - trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực; thể hiện khát vọng, niềm tự hào của đất nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam; khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và WEF với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.

Theo Thủ tướng, phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay, của các quốc gia.

Thời gian tới, để Trung tâm hoạt động thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò, Thủ tướng nêu rõ, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành là phải định hướng, xây dựng thể chế và có chính sách ưu tiên phát triển phù hợp; TP. HCM quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động của Trung tâm nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các doanh nghiệp, các nhà sáng lập hỗ trợ về nguồn lực tài chính, hạ tầng, nhân lực, quản trị. Trung tâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, chủ động, tích cực hoạt động có hiệu quả.

Thủ tướng gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào Trung tâm trong 20 chữ: Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân./.

Cùng chuyên mục
  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Chủ tịch EC và Tổng thống Ukraine
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác tại New York, Hoa Kỳ, chiều 24/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky.
  • Hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo một tương lai thịnh vượng
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay, cùng hành động, hợp tác chặt chẽ, phát huy cao độ vai trò của các thể chế toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là chấm dứt chiến tranh, xoá bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, kiến tạo hoà bình, xây dựng thế giới tốt đẹp và đem đến hạnh phúc cho nhân loại.
  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp lãnh đạo các tổ chức quốc tế
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác tại New York, Hoa Kỳ, chiều 24/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79 Philemon Yang, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner và Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russel.
  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp lãnh đạo các nước
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 24/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Tổng thống Bungari Rumen Radev, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Thái tử Kuwait Sheikh Sabah Al-Khaled Al-Sabah.
  • Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 24/9 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79 với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hoà bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai”. Báo Kiểm toán xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:
6 ý nghĩa lớn của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh