9 tháng năm 2018: Cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

(BKTO) - Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh Đông Xuân do Bộ Y tế tổ chức chiều 9/10.



                
   

Buổi gặp mặt thu hút đông đảo phóng viên báo, đài - Ảnh: Lê Hòa

   
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết, 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 29.234 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc TCM cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong tác tuần gần đây như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Số ca mắc TCM chủ yếu ghi nhận ở khu vực phía Nam chiếm 76,7%, miền Bắc chiếm 10,6%, miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%. 10 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy trên 100.000 dân cao nhất nước: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%); trong đó, hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi chiếm 17%.

Các tuýp vi rút chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác là 20%, Coxsackie A10 (6%), Coxsackia A6 (3%)... Trong đó EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh TCM ở Việt Nam.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng; bệnh thường nghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ;không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Người dân cũng cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
         
Theo Cục Y tế dự phòng, đối với dịch bệnh sởi, 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố; đã có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Về sốt xuất huyết, 9 tháng qua, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số ca mắc cả nước giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
9 tháng năm 2018: Cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng