
AI Agents được dự đoán sẽ tăng trưởng từ 5,1 tỷ USD (2024) lên 47,1 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm lên đến 44,8% trong giai đoạn 2024-2030.
Linh hoạt và vượt trội
Trong kỷ nguyên công nghệ số, AI Agent đang dần trở thành cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ. Nhờ vào khả năng tự chủ, học hỏi liên tục và phản ứng nhanh nhạy, các hệ thống AI này đang giúp con người đơn giản hoá các tác vụ phức tạp. Không giống như tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) truyền thống, tuân theo các tập lệnh cứng nhắc dựa trên quy tắc, AI Agent thích ứng với các thay đổi, đưa ra phán đoán theo khả năng ở thời điểm hiện tại và học hỏi kinh nghiệm. Sự khác biệt này rất quan trọng đối với hoạt động kiểm toán bởi môi trường kiểm toán luôn thay đổi và rất cần sự linh hoạt.
Ví dụ thực tế, một RPA được thiết kế để kiểm tra danh sách nhân viên đã nghỉ việc so với bảng lương sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu tiêu đề một cột trong bảng tính thay đổi. Trong khi đó, AI Agent có thể quét các mẫu, nhận dạng các biến thể trên định dạng và đánh dấu các điểm không nhất quán. Mức độ thích ứng cao của AI Agent chính là những gì chúng ta cần khi các chức năng kiểm toán ngày càng dựa vào dữ liệu.
Kết quả cuộc khảo sát nhanh do Auditboad thực hiện vào tháng 01/2025 về cách sử dụng AI Agent tốt nhất trong kiểm toán cho thấy, hơn 50% kiểm toán viên đánh giá AI Agent mang lại lợi ích lớn nhất cho kiểm tra, kiểm soát và công tác thực địa, tiếp theo là đánh giá rủi ro (20%), lập kế hoạch (19%) và báo cáo (11%). Kết quả này hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi AI Agent có thể tiến hành đánh giá rủi ro bằng cách quét các thông tin cập nhật và xu hướng của ngành, tự động hóa việc lập kế hoạch bằng cách triển khai các chương trình kiểm toán, lên lịch họp, thậm chí là soạn thảo báo cáo kiểm toán dựa trên các phát hiện - những nội dung mà các kiểm toán viên đã thực hiện trong thử nghiệm kiểm soát.
Thử nghiệm với AI Agent để kiểm tra, kiểm soát các nhân viên đã bị sa thải nhưng vẫn tiếp tục nhận được tiền lương, các chuyên gia của Auditboad nhận được kết quả kinh ngạc. Với quy trình truyền thống, bộ phận phân tích dữ liệu (có thể là AI) sẽ thu thập và dọn dẹp dữ liệu từ hệ thống bảng lương và nhân sự, tìm kiếm sự không khớp giữa ngày chấm dứt hợp đồng và hồ sơ thanh toán. Tiếp đó, kiểm toán viên cấp cao xem xét những phát hiện ban đầu, xác định những bất thường và đánh giá mức độ rủi ro. Cuối cùng, người quản lý lập báo cáo kiểm toán với phần tóm tắt, các phát hiện chính và khuyến nghị. Trong khi đó, AI Agent mang đến trải nghiệm bất ngờ, nhanh và chính xác, xử lý các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tóm gọn nhiều bước trước khi đưa ra một báo cáo tương đối đầy đủ thông tin.
Thử nghiệm nêu trên chỉ là một trường hợp đơn giản, AI Agent có tiềm năng tự động hóa nhiều chức năng kiểm toán hơn nữa, bao gồm: Giám sát chi phí bằng cách đánh dấu các giao dịch đáng ngờ dựa trên các mẫu và ngưỡng, thu thập bằng chứng và so sánh bằng chứng với giao dịch, giảm sự phụ thuộc vào việc thử nghiệm mẫu thủ công; kiểm tra tuân thủ bằng cách chủ động theo dõi các yêu cầu tuân thủ và nêu bật các lĩnh vực cần quan tâm (kiểm toán viên sẽ phải sàng lọc từng quy định và cập nhật các thay đổi).
AI Agent cũng có thể lấy mẫu và so sánh để kiểm tra tính đầy đủ và chính xác; phân tích dữ liệu kiểm toán trước đó, đánh giá mức độ rủi ro và đề xuất mốc thời gian tương tác dựa trên lịch sử kiểm toán và xu hướng của tổ chức. Đặc biệt, AI Agent có thể giúp các tổ chức chuyển từ hậu kiểm, kiểm toán theo từng nội dung, vấn đề, xu hướng sang giám sát rủi ro chủ động và có giải pháp trước khi gặp rủi ro.
Vượt qua rào cản
Nhiều tổ chức có thể ngần ngại áp dụng AI Agent vì họ thiếu chuyên gia về AI để triển khai ý tưởng. Trong khi đó, các kiểm toán viên nội bộ băn khoăn không biết nên bắt đầu với AI Agent từ đâu và liệu các tác nhân này có thay thế kiểm toán viên? Câu trả lời là AI Agent nâng cao trình độ của kiểm toán viên bằng cách loại bỏ sự lặp lại và mở ra các quy trình mới hiệu quả hơn. Cuộc khảo sát của Auditboad đã cho thấy, chỉ có khoảng 5% kiểm toán viên trả lời không cần đến AI Agent, trong khi 64% đang khám phá hoặc cân nhắc việc áp dụng AI Agent trong 12 tháng tới. Rõ ràng, thử nghiệm AI Agent càng sớm thì chúng ta sẽ càng thu được lợi ích.
Các chuyên gia của Auditboad khuyến nghị, tổ chức và các kiểm toán viên hãy bắt tay vào thử nghiệm AI Agent, bắt đầu bằng cách tích hợp các tác vụ do AI điều khiển vào quy trình làm việc hằng ngày, chẳng hạn như tóm tắt các bản cập nhật theo quy định, soạn thảo bản ghi nhớ hoặc tự động hóa phân tích dữ liệu. Tiếp theo, bộ phận kiểm toán nội bộ tự đánh giá và xác định các nhiệm vụ lặp đi lặp lại để tìm cơ hội tự động hóa bằng AI. Ở giai đoạn này, việc đào tạo cho kiểm toán viên và các phòng ban về khả năng của AI Agent sẽ rất quan trọng, giúp tổ chức bổ sung kiến thức về AI và tăng mức độ hiểu biết khi việc áp dụng AI Agent dần tăng lên.
Khi việc sử dụng AI Agent được cải thiện và tổ chức đã sẵn sàng khám phá các công cụ mới, các kiểm toán viên cần cộng tác với nhóm công nghệ và bảo mật để đảm bảo quản trị và tuân thủ. Về lâu dài, kiểm toán nội bộ thực hiện việc theo dõi các giải pháp AI mới nổi. Các chuyên gia của Auditboad nhấn mạnh, tổ chức hay kiểm toán nội bộ không thể chỉ thiết lập các AI Agent và hy vọng những kết quả tốt nhất sẽ đến. Nếu không được triển khai đúng cách, AI Agent cũng sẽ gây ra rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính minh bạch trong quá trình ra quyết định và khả năng kiểm toán. Giống như các kiểm toán viên, AI Agent cần có các quyền được xác định và cơ chế giám sát để đảm bảo không vượt quá giới hạn. Trước khi tin tưởng vào công việc của một AI Agent, các kiểm toán viên phải tiến hành kiểm tra chất lượng để xác thực và giám sát đầu ra của tác nhân đó./.