Dự kiến nội dung trọng tâm, xuyên suốt của AIPA 41 là thúc đẩy sự gắn kết, chủ động thích ứng và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19 - Nguồn: sưu tầm. |
Tích cực chuẩn bị
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đã cơ bản hoàn tất. Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Tổ chức AIPA 41 đã họp Phiên họp thứ nhất từ tháng 11-2019, công bố hai Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41. Sau phiên họp này, Trưởng Ban Tổ chức AIPA 41 đã ký quyết định thành lập Ban Thư ký quốc gia và các Tiểu ban thuộc Tổ chức AIPA 41. Sau đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, Ban Thư ký quốc gia và các Tiểu ban đã điều chỉnh đề án triển khai AIPA 41 theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại hội đồng AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Ngày 13-7-2020, Ban Thư ký quốc gia AIPA 41 đã thông báo tới Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký các nghị viện thành viên AIPA về chủ trương tổ chức họp trực tuyến và các phương án tổ chức mới cùng cách thức thảo luận, thông qua dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng AIPA 41, đề nghị các nước gửi chủ đề nghị sự và đề xuất dự thảo nghị quyết.
Đến ngày 23-7, Ban Thư ký quốc gia đã nhận được thư của Tổng Thư ký AIPA thông báo ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến việc tổ chức họp Đại hội đồng AIPA 41 trực tuyến, trong đó có 16 dự thảo nghị quyết chủ đề nghị sự có sự đóng góp của Quốc hội các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Ban Thư ký AIPA
Ngày 27-7, Ban Thư ký quốc gia AIPA 41 đã thông báo tới Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký các nghị viện thành viên AIPA về dự kiến các chủ đề nghị sự tại các Ủy ban của AIPA do Quốc hội Việt Nam đề xuất trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp tại các dự thảo Nghị quyết đề xuất của các nghị viện thành viên, bảo đảm một nghị quyết chung tại mỗi ủy ban.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, một trong những điểm mới của Đại hội đồng AIPA 41 mà Quốc hội Việt Nam đang chủ động thúc đẩy là các chủ đề nghị sự của mỗi ủy ban sẽ được gộp vào nghị quyết chung, trong đó có sự đóng góp của các nước. Việc thông qua nghị quyết chung như vậy sẽ tránh tình trạng bàn thảo kéo dài và tận dụng được thời gian họp trực tuyến. Việc thảo luận các dự thảo nghị quyết cũng sẽ được tiến hành qua thư điện tử, hoàn thành bản dự thảo cuối cùng trước khi trình thông qua tại Ủy ban của AIPA.
Sáng 5-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban tổ chức AIPA 41.
Sáng 13-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ công bố Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động và bộ nhận diện của Năm Chủ tịch AIPA 2020. Trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://aipa2020.vn và ứng dụng trên thiết bị di động AIPA2020 là nguồn cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng internet về các hoạt động và sự kiện trong năm 2020 mà Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch AIPA. Bên cạnh đó, trang thông tin và ứng dụng AIPA2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký, trao đổi tài liệu, thông báo trực tuyến giữa Ban Tổ chức, Ban Thư ký quốc gia với các thành viên, góp phần bảo đảm tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41.
Chiều 17-8, Ban Thư ký quốc gia AIPA 41 phối hợp với Ban Thư ký AIPA tổ chức họp trực tuyến với Ban Thư ký các nghị viện thành viên AIPA để trao đổi thống nhất các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Đại hội đồng AIPA 41. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện Ban Thư ký quốc gia AIPA 41 báo cáo tổng quan về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà. Đại diện Ban Thư ký nghị viện các nước thành viên đánh giá cao công tác chuẩn bị Việt Nam, tán thành với nhiều nội dung dự kiến của chương trình nghị sự; đồng thời trao đổi về chương trình nghị sự, dự thảo nghị quyết đại hội đồng, các báo cáo trong khuôn khổ Đại hội đồng, cũng như trao đổi về cách thức tổ chức các phiên họp của Đại hội đồng, thời gian phát biểu với hình thức họp trực tuyến; công tác tổ chức của Quốc hội Việt Nam và cơ chế phối hợp giữa Ban Thư ký quốc gia AIPA 41 với Ban Thư ký AIPA và các nghị viện thành viên để bảo đảm sự chuẩn bị tốt nhất cho các sự kiện trong khuôn khổ Đại hội đồng.
Thúc đẩy sự gắn kết, chủ động thích ứng và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19
Với việc tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 theo phương thức trực tuyến, tại phiên họp ngày 5-8-2020, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Tổ chức AIPA 41 đều cho rằng, vấn đề quan trọng nhất phải tập trung hiện nay là chuẩn bị nội dung nghị sự của Đại hội đồng.
Theo dự kiến, nội dung trọng tâm, xuyên suốt tại các phiên họp trong khuôn khổ của Đại hội đồng chính là thúc đẩy sự gắn kết, chủ động thích ứng và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19. Theo đó, Ủy ban Kinh tế dự kiến sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19. Ủy ban Xã hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về tăng cường vai trò của AIPA xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19. Đối thoại AIPA-ASEAN dự kiến sẽ tập trung vào đại dịch COVID -19 và tác động tới việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột...
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các ưu tiên về nội dung chương trình nghị sự AIPA 41 là rất đúng trọng tâm, trọng điểm và hoàn toàn phù hợp với ưu tiên của ASEAN, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi bài toán phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tất cả quốc gia ASEAN song song với vấn đề phòng, chống dịch COVID-19.
Nhìn từ sự gắn kết giữa ASEAN và AIPA, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng đề xuất một số nội dung mà Quốc hội Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA nên thảo luận và tập trung thúc đẩy. Trong đó, về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, đây là “trọng tâm của trọng tâm” trong chương trình nghị sự của các nước ASEAN và AIPA, là mẫu số chung về lợi ích của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đặc biệt tập trung thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thương mại số; thúc đẩy sự phục hồi, vận hành trở lại của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các cảng biển trong ASEAN; thúc đẩy các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hệ thống y tế, hỗ trợ người yếu thế trong bối cảnh tỷ lệ người nghèo, người thất nghiệp ngày càng gia tăng. ASEAN cũng nhấn mạnh cam kết chính trị của các nước thành viên tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực...
Chỉ còn vài ngày nữa, Đại hội đồng AIPA 41 sẽ chính thức được tổ chức. Các công việc chuẩn bị cho Đại hội đồng đã cơ bản hoàn tất. Các nội dung cụ thể được xem xét, thảo luận tại Đại hội đồng AIPA 41 cũng được hoàn thiện. Với tinh thần trách nhiệm cao và kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN và AIPA thời gian qua, tin rằng Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41.