Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng

(BKTO) - Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng; tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngay trong quý II và cả năm 2023.

Đây là nhận định của Chính phủ tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình những tháng đầu năm 2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23, sáng 09/5.

090520230810-z4329133845406_b1d97f2de6383f1a22a166e27a2da097.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Một trong những kết quả nổi bật là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý (tính chung 04 tháng tăng 3,84%).

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; tiếp tục nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp để hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước…

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI còn khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 04 tháng giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 04 tháng đều giảm, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc 04 tháng giảm 7,9%, trong khi nền kinh tế nước này phục hồi khá tích cực.

Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu NSNN ngay trong quý II và cả năm.

Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn. Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, dòng vốn FDI toàn cầu thu hẹp, áp lực cạnh tranh gia tăng - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Khó khăn tiếp theo là điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát.

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất

Chính phủ dự báo, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; lạm phát cao, tăng trưởng thấp, cảnh báo rủi ro suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn; cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn... có thể là yếu tố tích cực, hỗ trợ cho kinh tế thế giới, nhưng rất khó dự báo, cần được theo dõi chặt chẽ để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời.

090520230849-z4329064318648_3f88b225f1ef59457bfec78e40265860.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, đầu tư, thu hút FDI... tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng có thể chuyển biến tích cực nếu tình hình thế giới thuận lợi hơn.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn.

Đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh... đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.

“Đây là những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15” - Chính phủ nhìn nhận.

Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh sách của các nước, đối tác để kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước; nghiên cứu, tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội; cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Chính phủ cũng xác định tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; nắm chắc diễn biến tình hình thế giới, trong nước, kịp thời ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí... chính sách tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội…

Cùng chuyên mục
Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng