Argentina quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách

(BKTO) - Chính phủ Argentina dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Javier Milei đang thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm giảm thâm hụt ngân sách và ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách đáng chú ý bao gồm việc cắt giảm ngân sách, giảm số bộ từ 18 xuống còn 9, sa thải hàng nghìn nhân viên khu vực công, tư nhân hóa một số tập đoàn lớn và hối thúc Quốc hội thông qua các dự luật mở cửa kinh tế. Trong bối cảnh đối mặt với lạm phát cao và suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và hạn hán, những nỗ lực này nhận được sự ủng hộ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với việc tiếp tục đàm phán thỏa thuận cho vay trị giá 44 tỷ USD. Đây là bước đi quan trọng của Argentina trong việc khôi phục nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.

Cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách

tong-thong-argentina-javier-milei.jpg
Tổng thống Argentina Javier Milei

Trả lời báo giới trước khi lên đường dự hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Tổng thống Argentina hối thúc Quốc hội ủng hộ các chính sách cải cách của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời nhấn mạnh thâm hụt ngân sách là gốc rễ của tình trạng khó khăn hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh ở mức tương đương 3,99% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 và 3,73% trong năm 2024.

Chính phủ Argentina đang theo đuổi một chương trình cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách và bãi bỏ nhiều quy định chính trị - kinh tế vốn có trước đây thông qua Nghị định Cần thiết và Khẩn cấp (DNU) có hiệu lực từ ngày 29/12, cũng như đang hối thúc Quốc hội thông qua một dự luật nhằm mở cửa tối đa nền kinh tế.

Nhằm loại bỏ hoàn toàn thâm hụt ngân sách, Chính phủ đã cắt giảm từ 18 bộ xuống chỉ còn 9 bộ trong nội các, không ký lại hợp đồng lao động dưới 1 năm với hàng nghìn người và sa thải hàng nghìn người lao động trong khu vực công, giảm trợ cấp phương tiện giao thông công cộng và chăm sóc y tế, cắt giảm ngân sách trung ương phân bố cho các tỉnh và ngừng mở thầu các dự án hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, dự thảo Luật "Xe buýt", đang được các nghị sĩ xem xét từ cuối tháng 12, cho phép Chính phủ có "quyền tối cao" điều hành đất nước trong vòng 2 năm và có thể tiếp tục kéo dài, đồng thời đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước như hãng hàng không quốc gia Aerolinea Argentina, Tập đoàn năng lượng quốc gia YPF cũng như cấp thoát nước và viễn thông.

Theo dữ liệu của Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) mới được công bố cho thấy Argentina khép lại năm 2023 với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 211,4% so với năm 2022. Đây là mức tăng CPI kỷ lục tại nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh kể từ giai đoạn siêu lạm phát 1989-1990. Với thống kê trên, Argentina là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latinh, xếp trên Venezuela (193%).

IMF ủng hộ cải cách kinh tế của Chính phủ Argentina

argentina-imf-1jpg.jpg
Chính phủ Argentina và IMF đang đàm phán tiếp tục triển khai thỏa thuận cho vay trị giá 44 tỷ USD

Trước đó, ngày 11/1, IMF bày tỏ ủng hộ các chính sách cải cách kinh tế của tân Tổng thống Argentina Javier Milei, chỉ một ngày sau khi tổ chức tài chính này và Chính phủ quốc gia Nam Mỹ kết thúc đàm phán về các khoản nợ đến hạn phải trả.

Phát biểu trong một buổi họp báo phát ngôn của IMF, Julie Kozak tuyên bố các chính sách của Tổng thống cực hữu Milei hướng tới bình ổn kinh tế Argentina đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và kiềm chế tình trạng siêu lạm phát.

Theo bà Kozak, Argentina đang theo đuổi một kế hoạch “tham vọng” nhằm phục hồi kinh tế vĩ mô, dựa trên việc cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách, củng cố quỹ tài chính nhằm tăng dự trữ ngoại tệ, điều chỉnh giá cả, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Trung ương và “tạo ra một nền kinh tế đơn giản hơn theo định hướng thị trường”.

Trước tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh trong năm 2023 rơi vào suy thoái, khi dự kiến giảm ở mức -2,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm vừa qua của Argentina ở mức trên 200% và tỷ lệ người nghèo lên tới 40,1% trong tổng số 46 triệu dân. Tuy nhiên, với những chính sách cải cách kinh tế triệt để của Chính phủ Milei, hôm 9/1 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Argentina sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm nay và mức 3,2% vào năm 2025.

Ngày 10/1 vừa qua, Chính phủ Argentina và IMF đã hoàn tất đàm phán cấp chuyên viên về việc tiếp tục triển khai thỏa thuận cho vay trị giá 44 tỷ USD đã đạt được từ năm 2018 giữa hai bên, tuy nhiên chương trình này bị ngừng thực hiện từ giữa năm 2023, bởi chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Milei không hoàn thành các cam kết với tổ chức tài chính này.

Ban điều hành IMF sẽ xem xét thông qua thỏa thuận trong những tuần tới. Nếu được phê chuẩn, IMF sẽ giải ngân 4,7 tỷ USD cho Chính phủ Argentina để thanh toán các khoản nợ trong những tháng tới, trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ quốc gia Nam Mỹ đang rất khan hiếm.

Cùng chuyên mục
Argentina quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách