Thúc giải ngân vốn ĐTC giai đoạn 2021-2025 chuyển biến...
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương là 2.427.200 tỷ đồng, đạt khoảng 93% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ. Trong đó, vốn ngân sách TƯ (NSTƯ) đã bố trí cho 13 ngành, lĩnh vực, tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế, chiếm 74% tổng số vốn kế hoạch (riêng ngành giao thông chiếm 53,4%, ngành nông nghiệp chiếm 11,4%)... Tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho các địa phương là 1.872.175,625 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020.
Hằng tháng, Chính phủ công khai tỷ lệ giải ngân vốn của cả nước, các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước để theo dõi, giám sát. Đây cũng là căn cứ để các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và người đứng đầu, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn.
Đánh giá về giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn ĐTC nói riêng được cải thiện. Đến hết năm 2023 đã hoàn thành 2.367 dự án sử dụng vốn NSTƯ, chiếm 52% tổng số dự án trong giai đoạn 2021-2025; trong đó đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án trọng điểm. Đến năm 2023 hoàn thành 9.863 dự án sử dụng vốn NSĐP.
Giải ngân vốn ĐTC giai đoạn này cũng ghi nhận sự chuyển biến, giúp phát huy vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC trung bình 2 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% và năm 2023 cũng đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu tính theo số vốn kế hoạch thực tế giao (gồm số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và số vốn các địa phương giao tăng so với kế hoạch được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao), tỷ lệ giải ngân năm 2021, 2022, 2023 đạt lần lượt 77,79%; 77,55% và 82,47% kế hoạch.
Đồng thời, theo đánh giá của các chuyên gia, vốn ĐTC những năm này được bố trí tập trung hơn. NSTƯ đã dồn lực vào các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Minh chứng, tổng số dự án đầu tư trung hạn nguồn vốn NSTƯ giai đoạn 2021-2025 là 4.533 dự án; trong đó số dự án khởi công mới 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016-2020. Trong tổng số 4.533 dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025, có 9 dự án quan trọng quốc gia, 3.563 dự án nhóm A, nhóm B (trong đó có 102 dự án trọng điểm, liên vùng).
Trong bối cảnh giải ngân vốn ĐTC còn vướng, ngày 08/10/2024, UBTVQH đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh 8.446,866 tỷ đồng kế hoạch ĐTC nguồn NSTƯ năm 2024, do các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương không có nhu cầu sử dụng đã đề xuất “trả lại vốn”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ rõ sự không hài lòng với việc xin “trả lại vốn” này và trong Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 08/10/2024, Thủ tướng đã phê bình 31 Bộ, cơ quan TƯ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp; đồng thời chỉ đạo phải tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC.
Để thúc tiến độ giải ngân, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Từng Bộ, cơ quan TƯ và địa phương thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch ĐTC hằng năm. Quá trình tổng hợp, rà soát, lập, trình cấp có thẩm quyền giao và quản lý phân bổ, thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương đã được thực hiện toàn bộ trên Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTC. Đồng thời, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước giúp giảm tối đa thời gian, chi phí, công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ kiểm soát thanh toán, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC.
...Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, thực tế triển khai Luật ĐTC năm 2019 cho thấy, sự phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, nhất là trong điều chỉnh Kế hoạch ĐTC trung hạn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp. Đồng thời, việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện có lúc còn chậm; một số quy định chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, gây lúng túng cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai.
Chia sẻ từ góc độ địa phương, ông Phạm Tuấn Anh - Sở KHĐT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong tổng số 249.000 tỷ đồng TP. Hồ Chí Minh phải giải ngân trong kỳ trung hạn 2021-2025 thì có 49% số vốn được giao ở giữa kỳ trung hạn. Cụ thể, đến cuối năm 2023 - khi có Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh thì Thành phố mới được cấp bổ sung 107.000 tỷ đồng. Do đó, mức giải ngân vốn được giao từ đầu kỳ của địa phương đảm bảo tiến độ, nhưng những dự án sử dụng vốn cấp bổ sung thì phần lớn đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đến thời điểm giải ngân, nên tính chung mức giải ngân của TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ thấp.
Báo cáo lên Chính phủ về vấn đề chậm giải ngân vốn ĐTC giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu thêm nguyên nhân, chất lượng chuẩn bị đầu tư nhiều dự án chưa bảo đảm, công tác khảo sát, thiết kế chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án. Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, do công tác chuẩn bị dự án không tốt dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, trung bình mỗi năm làm thủ tục khoảng 20-30 dự án, hiệp định vay.
Việc phân bổ chi tiết kế hoạch ĐTC hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương còn chậm và thực hiện nhiều lần. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Hầu hết các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định. Tuy tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC các năm 2021-2023 đều đạt trên 90% kế hoạch, nhưng về cơ cấu thì việc giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến. Một số trường hợp phát sinh thêm phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch ĐTC nói chung.
“Hiện có tình trạng một số địa phương rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC” - lãnh đạo Bộ KHĐT nêu thực tế. Khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường do nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế như giá đền bù; phương án tái định cư chậm, nhiều trường hợp đã bàn giao mặt bằng cho dự án nhưng chưa có đất tái định cư…
Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC cũng có phần do việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai… làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án nói riêng và tiến độ giải ngân vốn ĐTC của giai đoạn nói chung./.
Bài 3: Nhiều giải pháp mạnh đốc thúc tiến độ giải ngân