Bài 2: Muôn kiểu lãng phí

(BKTO) - Phân bổ dự toán chi tiêu không đúng đối tượng; đất “vàng” bị bỏ hoang; người dân không có nhà để ở, dù dự án “đắp chiếu”. Ngay cả những cơ chế, thủ tục rườm rà gây khó cho người dân và làm phát sinh thêm chi phí… cũng là những biểu hiện của sự lãng phí đã được gợi mở trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư và được nhận diện rõ qua đánh giá của cơ quan chức năng cùng Kiểm toán nhà nước (KTNN)…

4.jpg
Lãng phí tài sản và lãng phí cả trong ban hành, giải quyết thủ tục hành chính đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ST

Từ lãng phí nguồn lực tài chính công, tài sản công…

Nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự tồn tại dai dẳng của lãng phí trong nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người. Thực trạng này cũng được KTNN sớm nhận diện và chỉ ra qua kết quả kiểm toán. Đặc biệt, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (CLP) giai đoạn 2016-2021 đã đưa đến “bức tranh” về thực trạng lãng phí đang diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực từ: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN); thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng lao động; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…

Cần làm rõ nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về KHCN. Bởi, theo kết quả kiểm toán, giá trị tài sản chưa được xử lý lớn, số liệu tổng hợp đến hết năm 2020 là 1.032 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước

Kết quả kiểm toán năm 2023 của KTNN cũng chỉ ra, một số Bộ, như: Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương… giao dự toán, phân bổ dự toán còn chậm so với quy định, phân bổ không đúng quy định; phân bổ dự toán khi chưa đủ điều kiện phân bổ; Đại học Quốc gia Hà Nội giao dự toán chưa đầy đủ cơ sở, định mức. Tương tự, trong đầu tư dự án, các biểu hiện của lãng phí cũng “muôn hình vạn trạng”, như: Phân bổ vượt tổng mức đầu tư được duyệt, ngoài danh mục kế hoạch năm và vượt nhu cầu đăng ký của đơn vị, không đúng đối tượng (Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Ngoại giao…).

Trước đó, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, CLP năm 2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn…

Một lĩnh vực được đánh giá là tương đối nhức nhối về câu chuyện lãng phí, đó là đầu tư cho khoa học, công nghệ (KHCN) với những đề tài nghiên cứu hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng “xếp ngăn kéo”, không được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, CLP, trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác là hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng các nghiên cứu cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu là 86 nhiệm vụ. Đây chính là sự thất thoát, lãng phí nguồn lực đất nước. KTNN cũng chỉ rõ, tại Bộ KHCN, các dự án sản xuất thử nghiệm được giao cho đơn vị thực hiện từ các năm 2006-2010 đã thu hồi nhưng chưa nộp trả NSNN hàng nghìn tỷ đồng…

…đến vướng mắc thể chế, thủ tục phiền hà làm cản trở sự phát triển

Phát biểu tại phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Theo Tổng Bí thư, chất lượng xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; nhiều quy định còn chồng chéo, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Nguy hiểm hơn, khi văn bản pháp luật ban hành mà không đi vào thực tế còn gây “lãng phí” niềm tin trong Nhân dân.

Hiện có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục; văn hóa, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp là những dự án cần được quan tâm về vấn đề lãng phí.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông

Qua kết quả kiểm toán năm 2023, bên cạnh các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN cũng đã chỉ ra một số hạn chế về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp của 198 văn bản. Trong đó, một số văn bản hướng dẫn thực hiện đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập, hạn chế gây khó khăn trong tổ chức, triển khai thực hiện. Điển hình như chương trình nông thôn mới, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng quy định “Có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể” song các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. “Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát, tích cực, trách nhiệm, nhưng cũng cho thấy sự hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - đại biểu cho biết.

Một dạng thức khác, đó là nhiều quy định được ban hành chuẩn, song bị thực hiện méo mó. Thực tế, để một dự án luật được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành, các cấp, các ngành đã phải dành nhiều công sức, thời gian để xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo quy trình. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực mà khâu tổ chức thực hiện, áp dụng không tốt, thì không những không giải quyết được vấn đề bức xúc của thực tiễn đặt ra, mà còn gây lãng phí công sức, trí tuệ tập thể.

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt “có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho biết.

Có thể thấy vấn nạn lãng phí được Đảng ta nhận diện, KTNN và các cơ quan chức năng vào cuộc đã chỉ ra đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội./.

Cùng chuyên mục
Bài 2: Muôn kiểu lãng phí