Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Tăng cường kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không

(BKTO) - 6 tháng đầu năm, các thành viên thuộc lực lượng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã liên tục ra quân, tăng cường kiểm soát công tác buôn lậu qua đường hàng không.

kiem-tra-cang-hang-khong.jpg
Các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại kho hàng hóa Cảng hàng không Nội Bài. 

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội nhận định, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến, lĩnh vực và mặt hàng trọng điểm. Trong đó, nổi lên vấn đề hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không, chủ yếu là hàng có giá trị cao. Thậm chí, nhiều vụ vận chuyển hàng cấm, ma túy đã bị phát hiện.

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đứng thứ nhất về số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và đứng thứ hai về lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh qua đường hàng không trên toàn quốc.

Tại đây, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan hải quan đã làm thủ tục cho 29.716 chuyến bay quốc tế với 5.386.223 lượt hành khách và khoảng 298.510 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan Hà Nội, hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị cao, với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại như ma túy, tiền, vàng, điện thoại thông minh...

Các đối tượng lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều người nhận khác nhau, sau đó thu gom lại. Đồng thời, lợi dụng việc phân luồng kiểm tra, khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng, tránh bị phân luồng đỏ.

Để qua mặt cơ quan chức năng, một vận đơn thường mở nhiều tờ khai, tờ khai phân luồng đỏ thì thực hiện hủy tờ khai, thay đổi thông tin người nhận hàng, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc bỏ lại hàng. Nhiều doanh nghiệp không có thật đã được thành lập để làm thủ tục hải quan.

Các đối tượng còn cất giấu, trà trộn, đóng lẫn các mặt hàng cấm là ma túy, sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm (thuộc danh mục Công ước CITES)… vào những mặt hàng khác để khai báo. Sau đó, mua tiêu chuẩn hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh như Việt kiều, người xuất khẩu lao động về nước, du học sinh, người đi công tác nước ngoài…, lợi dụng hành khách không am hiểu pháp luật để nhờ mang hộ, mang thuê về Việt Nam.

Hành vi buôn lậu còn được các đối tượng lợi dụng vận chuyển qua các công ty dịch vụ giao nhận; sử dụng vận đơn có thông tin người nhận hàng không cụ thể, địa chỉ không rõ ràng và vận chuyển qua nhiều khâu trong nội địa, khó xác minh.

Nhiều trường hợp người nhận hàng đứng tên trên vận đơn không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng có ngành nghề kinh doanh không liên quan hàng hóa nhập khẩu. Khi bị phát hiện, các đối tượng hoặc doanh nghiệp tìm nhiều lý do… để từ chối nhận hàng, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý vi phạm.

Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - cho biết: “Chúng tôi thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh qua đường hàng không, trên thương mại điện tử tiếp tục gia tăng. Các lực lượng của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các địa bàn trọng điểm, đấu tranh phát hiện và xử lý vi phạm”.

Những vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Trước tình hình đó, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để thực thi công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; xử lý các hành vi vi phạm mà không làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật.

Ông Tô Cẩm Tú - Đội Trưởng Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội - cho hay: “Từ nay đến cuối năm, Đội QLTT số 10 sẽ tiến hành kiểm tra kiểm soát với tinh thần quyết liệt nhất để không có những vụ vi phạm lớn xảy ra. Hoạt động thương mại điện tử dự kiến là mô hình kinh doanh chính trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tăng cường phối kết hợp với cơ quan công an và thuế, họ nắm được nhiều thông tin cơ bản về địa bàn, về nguồn thanh khoản của hoạt động thương mại điện tử”.

6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra hơn 12 nghìn vụ việc, trong đó, xử lý hơn 11.500 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, xử lý hình sự 118 vụ, khởi tố 175 bị can, tổng thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.700 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
  • Bảo đảm công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt
    4 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải bám sát 5 chính sách xây dựng Dự án Luật đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, giám sát để kiến tạo...
  • Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 92,7 nghìn tỷ đồng
    4 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đây là thông tin được Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết qua kết quả thanh tra 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện 19 vụ việc, 29 người liên quan đến tham nhũng.
  • Hà Nội: Kiến nghị sửa đổi Luật theo hướng tăng nặng góp phần dẹp nạn hàng lậu
    4 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - 6 tháng đầu năm, công tác chống hàng lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này.
  • Xây dựng khung pháp lý phù hợp cho công chứng điện tử
    4 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về công chứng điện tử, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng quy định này cần có lộ trình hợp lý, bước đi thận trọng…
  • Nhà giáo phải được coi là viên chức đặc biệt
    4 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự kiến, Dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9 tới và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Tăng cường kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không