Bảo đảm chính sách tốt nhất cho di dân vùng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

(BKTO) - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, Quốc hội cho phép tỉnh Ninh Thuận áp dụng nhiều cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, di dân tái định cư phục vụ Dự án, nhằm đảm bảo chính sách tốt nhất cho người dân.

190220250812-z633100984548542ab01ec2c20145319f967ff94806116-1739932950229-1739932950334117478381-1740569247860915435199-0-0-1250-2000-crop-17405692519881980664126.jpg
Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: VPQH

Được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở mức cao nhất

Nghị quyết số 189/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nêu rõ, đối với tỉnh Ninh Thuận, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, mua sắm, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đồng thời, tỉnh được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện Dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần; được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đối với người đang sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như đối với người sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Quốc hội cũng cho cơ chế để tỉnh Ninh Thuận được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của Dự án.

Theo đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận), sau 15 năm Dự án được phê duyệt rồi tạm dừng và giờ là tiếp tục triển khai, người dân vùng dự án đã chịu rất nhiều thiệt thòi, không được hưởng những quyền lợi cơ bản như đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, xây dựng, chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất… Do vậy, việc thực hiện các chính sách ưu tiên trên nhằm bù đắp cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy nhanh công tác di dời, đền bù cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, ngay sau khi có chủ trương tái khởi động Dự án, tỉnh đã tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn, cơ bản người dân ủng hộ, đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước. Tỉnh đã gửi 2.000 phiếu lấy ý kiến của người dân vùng dự án, có đến 90% người dân đồng thuận, còn lại do người dân chưa nắm rõ thông tin.

“Ngày 11/02/2025, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm kê đất đai chuẩn bị cho công tác thu hồi đất, di dân giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án sẽ có khoảng 150ha đất phục vụ công tác di dời dân và khoảng 800ha cho xây dựng nhà máy. Ninh Thuận sẽ phải hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 1.000ha trong thời gian 10-11 tháng. Đây là thách thức lớn với tỉnh nếu không có chính sách đặc thù” - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Ưu tiên xây dựng khu tái định cư sát biển để phát triển du lịch

Trước đó, tại Phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân diễn ra ngày 04/02/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải rút ngắn thời gian hoàn thành Dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới ngày 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng tiến độ theo mục tiêu này. Để bảo đảm dự án hoàn thành và vận hành vào năm 2030, toàn bộ mặt bằng phải được hoàn thành giải phóng trong năm 2025.

dien-hat-nhan-ninh-thuan-3.jpg
Phần diện tích đất sát biển ở thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) được chọn xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: TTXVN

Thông tin về vấn đề này, ngày 04/3, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đạt được mục tiêu phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng dự án trước ngày 31/12/2030 và chậm nhất trước ngày 31/12/2031, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng, quyết tâm cao của nhân dân, đặc biệt là người dân trong vùng dự án.

Ninh Thuận cũng có kế hoạch và lộ trình triển khai rất cụ thể, phân công cho từng sở, ngành, địa phương. Trong đó, chính quyền đặc biệt quan tâm công tác bồi thường, tái định cư, an sinh xã hội, giúp người dân tỉnh nhà tin tưởng và đồng hành thực hiện mục tiêu chung của đất nước.

Trong đó, Ninh Thuận chủ động rà soát đất đai và triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư. Trong đó, khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được quy hoạch tại thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) cách nơi ở hiện nay của người dân khoảng 5km.

Khu tái định cư này rộng khoảng 64,8ha (phần diện tích theo ranh giới quy hoạch cũ khoảng 40,6ha, địa phương đang kiến nghị bổ sung thêm 24,2ha) nhằm giải quyết chuyển đổi nghề cho dân.

Riêng khu tái định canh, định cư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được quy hoạch dự kiến tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) có quy mô khoảng 318,8ha, cách nơi ở hiện tại của dân khoảng 2km.

Trong đó diện tích phân lô 159,6ha/517 lô (mỗi lô từ 1500m2- 3.500m2) và khu không phân lô 159ha, nhưng có xây dựng công trình hạ tầng.

Tại cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai các công việc liên quan đến Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 26/02 vừa qua, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết tỉnh đang khẩn trương rà soát, kiểm đếm để đẩy nhanh việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho người dân. Việc giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy sẽ ưu tiên thực hiện ở vùng lõi trở ra.

Hiện UBND tỉnh Ninh Thuận đang đôn đốc 2 huyện Thuận Nam và Ninh Hải rà soát hiện trạng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, sớm ra thông báo về thu hồi đất để thực hiện Dự án.

Đặc biệt, tỉnh cũng xem xét điều chỉnh quy hoạch để xây dựng khu tái định cư ưu tiên sát biển để phát triển du lịch, đảm bảo các tiêu chí đô thị du lịch và phát triển dịch vụ thương mại. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thực hiện trên tinh thần có lợi nhất cho người dân, nhưng cũng đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định pháp luật./.

Cùng chuyên mục
  • Ngành y tế trước yêu cầu đổi mới
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Suốt 70 năm qua, ngành y tế không ngừng nỗ lực để xây dựng một nền y tế "khoa học, dân tộc và đại chúng". Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu ngành y tế cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
  • Tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt, gắn với quảng bá du lịch biển
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Không chỉ hướng đến tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2025 còn là hoạt động thiết thực để quảng bá hình ảnh biển Việt Nam tươi đẹp, nhiều tiềm năng về kinh tế, du lịch; cũng như bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
  • Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
  • Hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản để công việc không bị ngắt quãng
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Xuất bản là 1 trong 12 ngành Công nghiệp văn hóa quan trọng, có tiềm năng phát triển lớn. Để các hoạt động của ngành Xuất bản không bị gián đoạn, Cục Xuất bản đã đề xuất, trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) ban hành lại Kế hoạch, Ban chỉ đạo và Tổ biên tập Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản…
  • Phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bảo đảm chính sách tốt nhất cho di dân vùng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận