Bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ

(BKTO) - Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ lực lượng, phương tiện, các biện pháp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người bị mất tích, cô lập; khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2024 của Quốc hội.

202409121530006029_dsc_2307.jpg
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng cảm với những thiệt hại, mất mát do bão số 3 gây ra

Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Cử tri và nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại và mất mát về người và tài sản tại nhiều địa phương và sự cố sập cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ; đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại và thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão.

Cử tri cũng đồng tình với Chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và cho rằng đây là hoạt động thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của người Việt Nam, là sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị bão lũ, thiên tai.

Từ vấn đề cử tri quan tâm, Ban Dân nguyện kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ lực lượng, phương tiện, các biện pháp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người bị mất tích, cô lập; bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân; chỉ đạo mua sắm dự trữ ứng phó tình trạng khẩn cấp; tổ chức cuộc vận động, quyên góp, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả; khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các địa phương, ổn định đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng.

202409121530006966_dsc_2410.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng thời, chủ động kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình giao thông, đê điều, lưới điện trong mùa bão lũ để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiên quyết xử lý người đưa tin thất thiệt, lợi dụng tình hình khó khăn để vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, cơn bão số 3 gây hậu quả vô cùng nặng nề, Báo cáo cần thống kê các số liệu thiệt hại, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

Trong đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương tăng cường các giải pháp để hạn chế thiệt hại về người và tài sản trước sự biến động lớn của thiên tai. Đồng thời, cần nhấn mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức trong phòng, chống thiên tai. Chính quyền phải có những khuyến nghị cụ thể về các khu vực nguy hiểm, rủi ro, tác động của thiên tai; đồng thời cần có một số giải pháp phòng ngừa để bảo vệ người dân khi xảy ra thiên tai.

60% các vụ bạo hành trẻ em do người thân, quen gây ra

Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri và nhân dân lo lắng thời gian qua tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Hưng Yên, Phú Thọ và đặc biệt là vụ bạo hành trẻ em đang gây chú ý của dư luận tại cơ sở Mái ấm Hoa hồng (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh).

202409121530007435_dsc_2488.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em, kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền...

Báo cáo thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thực trạng đáng báo động là trong các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, có tới 60 % vụ do người thân, người quen trong gia đình, hoặc có mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân gây ra. Gần đây, các vụ xảy ra có xu hướng gia tăng trong các gia đình không hoàn thiện như bố mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn…

8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đồng thời, xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng; trong đó, nhóm hành vi bạo hành trẻ em chiếm 12%, còn lại là xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, Thứ trưởng cho biết, ngay sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo Công an TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp là Công an Quận 12 vào cuộc. Hiện nay, Công Quận 12 đã thụ lý, giải quyết tin báo tội phạm theo thẩm quyền.

Nhấn mạnh vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng và một số địa phương khác cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Quốc hội khóa XIV đã giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em và có nghị quyết rất chi tiết. Bà Nga đề nghị UBTVQH giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát lại Nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em, để báo cáo Quốc hội.

Cùng chuyên mục
Bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ