Bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới

(BKTO) - Năm học 2021-2022 sắp đến, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục các địa phương đang tìm mọi biện pháp để chủ động việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới cho học sinh (HS). Bên cạnh việc đảm bảo nguồn sách cho các trường, HS, ngành giáo dục cũng cảnh báo về tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường.



Cần đảm bảo sách giáo khoa cho năm học mới

Theo quy định, việc in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành, chuyển đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng ở mỗi địa phương, cung cấp kịp thời đến tất cả HS, giáo viên trước khi năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, việc đảm bảo SGK cho HS đang là thách thức lớn với toàn ngành giáo dục.
                
   

Đảm bảo SGK cho HS là yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh năm học mới đang cận kề. Ảnh: N.LỘC

   

Theo bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đồng Tháp, mặc dù đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song ngành giáo dục tỉnh vẫn đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo nguồn SGK cho HS. Theo đó, đối với SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ sử dụng sách mới - trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Sở đã làm việc với các đơn vị, DN có chức năng để cung ứng đầy đủ cho cơ sở giáo dục, HS.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Sở GD&ĐT đã tập hợp số liệu từ các trường đăng ký SGK để đặt hàng với nhà xuất bản. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trương Thanh Nhuận, phụ huynh có thể đăng ký tại trường hoặc cũng có thể mua tại nhà sách. Sở sẽ phối hợp, đề nghị đơn vị cung ứng SGK cam kết cung ứng sách kịp thời, đúng quy định, bảo đảm chất lượng…

Trong khi đó, tại các địa phương thuộc địa bàn khó khăn, việc đảm bảo nguồn SGK cho việc dạy và học theo chương trình mới thực sự là thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển sách bị hạn chế.

Là một trong những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai cũng đang tập trung nguồn lực để đảm bảo SGK cho HS, khi năm học mới sắp cận kề. Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là người dân không có điều kiện để mua SGK.

Thầy Nông Văn Thiệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết, trăn trở lớn nhất của Trường là phải lo đủ số lượng sách vở để HS có thể đến trường trong năm học mới, đặc biệt là đối với HS khối 6 sẽ chính thức sử dụng sách mới. “Người dân trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập ở mức thấp. Việc mua SGK mới là vấn đề nan giải của nhiều phụ huynh” - thầy Thiệp cho biết.

Thận trọng trước sách lậu, sách giả

Bên cạnh yêu cầu đảm bảo đủ SGK cho giáo viên và HS, ngành giáo dục cũng cảnh báo về tình trạng SGK lậu, sách giả đang bày bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là vào thời điểm năm học mới đang cận kề.

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP. Hà Nội và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hiện đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong số sách giả này đa số là SGK, làm giả sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Chí Bính cho biết, các loại sách này không qua kiểm định, kiểm tra rất dễ xảy ra sai sót. “Điều đầu tiên, dễ nhận thấy nhất khi HS mua phải sách giả là giấy in và mực in các cuốn sách đó kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của HS” - ông Bính lưu ý.
                
   

Sách giả sai chính tả (khoanh đỏ). Ảnh: N.LỘC

   

Theo ông Bính, vấn đề hình thức chỉ là phụ, rủi ro về nội dung, chất lượng SGK giả mới là điều đáng báo động. “Điều đáng lo ngại nhất là HS sử dụng sách lậu, sách giả với những sai sót về màu sắc, nội dung, dẫn đến sai lệch về kiến thức thu nhận” -ông Bính nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong khi tình trạng in lậu chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì không chỉ riêng SGK mà sách ở nhiều thể loại, vẫn được bán công khai ở vỉa hè, lề đường, thậm chí trong các cửa hàng sách và len lỏi vào cả trường học.Trước tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp xử lý tình trạng sách giáo dục bị làm giả xâm nhập vào các nhà trường…; đồng thời khuyến cáo người dân không mua sách trôi nổi trên thị trường.

Theo đó, giáo viên, phụ huynh và HS nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức tại các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, các cửa hàng sách uy tín; không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp nhận kiến thức của HS.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới