Bảo đảm thống nhất tổ chức và tố tụng trong hệ thống Tòa án

(BKTO) - Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND trên toàn quốc. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật tố tụng và tổ chức Tòa án trong thực tiễn xét xử.

nghi-quyet-hdtp-tandtc-1-.jpg
Bảo đảm thống nhất tổ chức và tố tụng trong hệ thống Tòa án. Ảnh: ST

TANDTC sẽ thực hiện thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp dưới; giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị liên quan đến phá sản; giải quyết khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng; đồng thời xử lý các vụ việc, nhiệm vụ khác theo quy định.

Tòa Phúc thẩm TANDTC tiếp tục thực hiện xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự và các vụ việc khác do TAND cấp cao (trước đây) đã thụ lý trước 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong. Đồng thời, Tòa Phúc thẩm cũng xét xử lại các vụ án bị hủy phúc thẩm; phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; giải quyết kiến nghị liên quan đến phá sản và công nhận hòa giải, đối thoại thành; xử lý khiếu nại về tố tụng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo luật định.

TAND cấp tỉnh tiếp nhận, giải quyết sơ thẩm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, phá sản… đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong. Ngoài ra, TAND cấp tỉnh còn có thẩm quyền phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện và TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị. Đáng chú ý, TAND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong thi hành án hình sự như: hoãn, giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện...

Đặc biệt, Chánh án TAND cấp tỉnh có quyền kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa Phúc thẩm TANDTC, TAND cấp cao và TAND cấp tỉnh.

TAND khu vực, đơn vị mới được tổ chức theo mô hình đổi mới bộ máy tư pháp, có thẩm quyền sơ thẩm vụ án, giải quyết phá sản, thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài ra, TAND khu vực đảm nhận nhiệm vụ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển, thực hiện tương trợ tư pháp và thi hành án hình sự trong phạm vi thẩm quyền được giao.

Chánh án TAND khu vực được quyền kiến nghị Chánh án TANDTC hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp tỉnh, cấp huyện, khu vực.

Hướng dẫn kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng

Kể từ ngày 01/7/2025, trong trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền tham gia tố tụng bị hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc không còn tồn tại do sắp xếp bộ máy Nhà nước, thì cơ quan, tổ chức hoặc người kế nhiệm có trách nhiệm kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định./.

Cùng chuyên mục
Bảo đảm thống nhất tổ chức và tố tụng trong hệ thống Tòa án