Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam (đứng) và Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Nguyễn Quốc Văn - đồng chủ trì Tọa đàm |
Đây cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm và tập trung phân tích, làm rõ tại Tọa đàmlấy ý kiến về Dự thảo Đề án trên.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Lại Xuân Nghị, Thanh tra Chính phủ (TTCP) là cơ quan thuộc Chính phủ, còn KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Về cơ bản, hai cơ quan có địa vị pháp lý, thẩm quyền, chức năng riêng biệt. Tuy nhiên, Dự thảo Đề án quy định “TTCP chủ trì, nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội, KTNN nghiên cứu, sửa đổi Luật Thanh tra, Luật KTNN. Nếu theo quy định này thì thẩm quyền của KTNN được chuyển sang là thẩm quyền của TTCP” - ông Nghị nêu.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lại Xuân Nghị |
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lại Xuân Nghị: Địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Do chức năng, nhiệm vụ có sự khác nhau nên việc đưa vào trong một Đề án chung cần thận trọng để tránh dẫn đến sự chồng chéo, đặc biệt là chồng chéo về thẩm quyền. |
Đồng thời, một trong những mục tiêu mà Dự thảo Đề án đưa ra là “Bảo đảm mọi hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phải kịp thời; có đối tượng, mục tiêu, phạm vi và nội dung rõ ràng; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và xã hội”. Theo ông Lại Xuân Nghị, quy định này đối với KTNN là chưa đủ và cũng làm hạn chế quyền hạn của KTNN. Bởi Luật KTNN có nguyên tắc hoạt động của KTNN, trong đó bảo đảm hoạt động KTNN độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.
Cơ bản nhất trí với Dự thảo Đề án cũng như nhấn mạnh trách nhiệm và sự tham gia, phối hợp của KTNN trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của quốc gia, trực tiếp là đối với các DNNN, tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (KTNN) Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, trong Dự thảo Đề án còn những nội dung chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định liên quan đến KTNN chưa thực sự đúng với Hiến pháp và Luật KTNN.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Mạnh Cường |
Ông Cường dẫn chứng, Dự thảo Đề án quy định việc kết luật kiểm toán phải công khai trên Cổng Thông tin điện tử là không phù hợp với quy định của Luật KTNN. KTNN luôn đảm bảo công khai kết luận kiểm toán theo những cách thức khác nhau. Việc lựa chọn cách thức nào phù hợp là thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã được quy định trong Luật KTNN. Do đó, Ban soạn thảo Đề án cần xem lại vấn đề này.
Cũng tại Tọa đàm, vấn đề phối hợp nhằm hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là chồng chéo giữa hoạt động thanh tra của các Bộ, ngành, địa phương với KTNN; việc chia sẻ, sử dụng kết quả của nhau giữa hai cơ quan… được nhiều đại biểu đề cập.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Giang Sơn cho rằng, để giảm chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thì cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan kiểm toán và thanh tra, không chỉ trong vấn đề xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra mà cần có sự chia sẻ, phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm toán, cũng như trong thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Giang Sơn |
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Giang Sơn: Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi như hiện nay, hai cơ quan cần nghiên cứu để có cơ chế chia sẻ về cơ sở dữ liệu thông tin như các văn bản pháp luật hay truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu của nhau. |
Nêu giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Khương Tiến Hùng đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn nữa, có thể xem xét việc các cơ quan thanh tra, kiểm toán sử dụng dữ liệu kết quả thanh tra, kiểm toán đối với cùng đối tượng thanh tra, kiểm toán.
Quang cảnh Tọa đàm |
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ khái niệm thanh tra, kiểm toán, giám sát... Từ đó làm rõ chủ thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bởi, nếu không làm rõ Đề án sẽ bị vướng trong quá trình triển khai, không đảm bảo tính khả thi.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (TTCP) Nguyễn Quốc Văn nêu rõ: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý tại Tọa đàm để nghiên cứu, hoàn thiện Đề án gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tin và ảnh: HỒNG - LỘC