Báo động tình trạng thiếu hụt phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh

(BKTO) - Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vừa công bố ước tính, Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.




Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội

Lựa chọn giới tính vẫn tồn tại dai dẳng

Theo Báo cáo của UNFPA, tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội và được xác định là nguyên nhân chính gây nên mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004 và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” dao động từ 105 - 106 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo ước tính, Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Việc lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất phát từ một số nguyên nhân như: tâm lý ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới tình trạng nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính…

Theo các chuyên gia, bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu. Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy tới cấu trúc gia đình và các vấn đề xã hội trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính. Tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam - nhấn mạnh, khi số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh, làm trầm trọng hơn các hình thức bạo lực trên cơ sở giới như: hiếp dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục, bóc lột tình dục, buôn bán người và tảo hôn…

Cần hành động ngay để ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh

Báo cáo của UNFPA cho thấy, cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là vấn đề Đảng và Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm. Tại Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Tại Lễ công bố Báo cáo, ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cũng cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đang được xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020.

Bà Naomi Kitahara kêu gọi, chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy mạnh nhanh hơn nữa trong Thập kỷ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bài và ảnh: KIM AN
Cùng chuyên mục
Báo động tình trạng thiếu hụt phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh