Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

(BKTO) - Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH), các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

3.jpg

Không gian mạng vẫn âm ỉ “bão ngầm”

Thực tế cho thấy, MXH không chỉ là kênh truyền thông quan trọng để người dân nắm bắt kịp thời những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những điều hay ý đẹp và các khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn là phương thức để nắm bắt và ứng phó kịp thời với những luồng dư luận trái chiều.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 77 triệu người dùng internet, tương đương 79% dân số; số người dùng MXH khoảng 70 triệu, tương đương 71% dân số; tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161 triệu. Từ đó có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng internet và MXH cao so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Sự gia tăng người dùng cũng như sự phổ biến của internet và MXH là một chỉ số đánh giá sự phát triển của internet và MXH ở Việt Nam thời gian qua, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh mạng. Không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, có tốc độ lan truyền nhanh đã trở thành công cụ đắc lực để những thế lực thù địch, các phần tử cơ hội phát tán tin giả, thông tin xấu, độc.

Lợi dụng những thế mạnh và tính mở của không gian mạng với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, không có ranh giới cụ thể giữa “thực” và “ảo”, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá. Chúng bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam. Chúng tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Nguy hại hơn, một số tổ chức phản động còn lợi dụng MXH để hướng dẫn “biểu tình online”, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền. Vụ việc xảy ra tại hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023 vừa qua là kết quả của những hoạt động lợi dụng MXH để lôi kéo, kích động biểu tình chống phá Đảng, chính quyền nhà nước.

Nâng cao “sức đề kháng” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên không gian mạng rất nguy hiểm, thâm độc, không thể coi thường, xem nhẹ. Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Đảng ta nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của internet, MXH, các thế lực thù địch, phản động sẽ có những chiêu thức mới, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xác định là một thách thức rất lớn cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Do đó, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là một tất yếu khách quan, xuất phát từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn, trong thời gian tới, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ Thông tin và Truyền thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh bị vi phạm, hay vô tình bị lợi dụng, tiếp tay cho những thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, phản ánh, giám sát, phản biện của báo chí, truyền thanh cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong công tác này.

Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên không gian mạng, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng không gian mạng để “nhân danh nhân dân” nhằm “mị dân”… Đầu tư trang thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp các cơ quan chức năng giám sát thông tin trên không gian mạng một cách tự động, toàn diện, kịp thời. Tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng MXH để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin chính thống từ nhiều góc nhìn khách quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là quá trình lâu dài, phức tạp, bền bỉ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là công cuộc lâu dài, phức tạp đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải phát huy tối đa vai trò của mình trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt, muốn “miễn dịch cộng đồng” trước những thông tin xấu, độc cần có “vắc-xin” đoàn kết toàn dân, nhằm tạo nên những hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, chung tay vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Và hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là những người gương mẫu đi đầu./.

Cùng chuyên mục
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng