Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ
Đầu giờ chiều ngày 12/5 theo giờ Hà Nội, Nikkei 225 tạm thời đóng cửa với mức giảm 461,09 điểm. Trước đó, chỉ số này có lúc mất 600 điểm, tương đương hơn 2%. Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Nissan giảm gần 10%.
S&P/ASX 200 cũng mất 76,7 điểm, tương đương hơn 1%. KOSPI của Hàn Quốc thì giảm tới 2,1%. Thị trường Đài Loan giảm gần 4% do dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và cơ quan y tế nước này tuyên bố sẽ nâng mức cảnh báo và kiểm dịch chặt hơn.
Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi trở lại sau phiên giao dịch buổi sáng. Shanghai tăng 21,19 điểm, tương đương 0,62% trong khi SZSE Component cũng tăng 0,34%. Hang Seng cũng tăng 110 điểm, tương đương 0,47%.
Chứng khoán Đông Nam Á cũng không tươi sáng hơn. SET của Thái Lan giảm 1,06%, VnIndex của Việt Nam mất 0,2% trong khi IDX Composite của Indonesia cũng giảm 0,63%. Duy nhất chỉ có KLCI của Malaysia giữ được sắc xanh với 0,31% nhiều hơn so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Sắc đỏ cũng tiếp tục bao trùm chứng khoán tương lai của Mỹ. Sau khi mất gần 500 điểm trong phiên giao dịch 11/5, Dow Jones tiếp tục giảm 223 điểm trong phiên giao dịch ngoài giờ. S&P 500 và Nasdaq futures cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi giảm, lầm lượt là 0,67 và 0,93%. VIX, chỉ số vốn để đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, đang tăng 6,27%.
Nỗi lo lạm phát bao trùm là lý do chính khiến chứng khoán Mỹ điều chỉnh. Cổ phiếu công nghệ, vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua, cũng đang trở thành đối tượng bị bán tháo. Nỗi lo này đã lan tới châu Á và kéo theo cú sụt giảm của hầu hết các chỉ số chính. Mức điều chỉnh lớn nhất thuộc về Nikkei 225 và Kospi với hơn 2% mất đi.
VN Index bất ngờ "nổi sóng"
Trong khi bên bán hạn chế cung giá thấp thì bên mua lại bất ngờ xuống tiền mạnh kéo nhiều mã nổi sóng, qua đó giúp VN-Index tăng vọt trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Trong phiên sáng, tâm lý thận trọng khiến thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp và có sự phân hóa rõ nét giữa các mã trong cùng nhóm. Thanh khoản theo đó cũng sụt giảm hơn 10% so với phiên sáng qua.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, bất ngờ đã diễn ra khi lực cung giá thấp được tiết giảm, trong khi bên mua không còn giữ tâm lý thận trọng như phiên sáng. VN-Index được kéo lên trên ngưỡng 1.260 điểm lúc 13h55, sau đó quay đầu.Tuy nhiên, lực cầu tập trung vào nhóm bluechip đã kéo VN-Index tăng bật trở lại, leo thẳng lên sát ngưỡng 1.270 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày với sắc xanh chiếm thế áp đảo.
Trong đó, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, STB nổi sóng lớn khi được kéo tăng lên mức giá trần 26.350 đồng với thêm gần 30 đơn vị được khớp, lên 59,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần nửa triệu đơn vị.
Từ STB, dòng tiền đã lan tỏa ra các mã cổ phiếu ngân hàng khác, giúp nhiều mã lần lượt đảo chiều như VPB, HDB, BID, CTG, LPB, MBB, ACB, VIB, MSB, OCB, chỉ còn VCB và thêm EIB đóng cửa giảm nhẹ.
Chốt phiên, VN-Index tăng 13,05 điểm (+1,04%), lên 1.269,09 điểm với 309 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 700,7 triệu đơn vị, giá trị 20.924,8 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 7,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị 1.565 tỷ đồng.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhiều mã bluechip khác cũng được kéo tăng trở lại trong phiên chiều nay, ngoại trừ VIC, VHM, VCB, SAB còn giảm nhẹ.
HPG cũng đảo chiều tăng 1,13% lên 62.700 đồng, khớp 29,3 triệu đơn vị, GAS tăng 1,29% lên 86.400 đồng, khớp 0,6 triệu đơn vị. MSN tăng 2,46% lên 104.000 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. GVR tăng trần lên 27.000 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường, ngoại trừ FLC vẫn giảm nhẹ 0,4% xuống 11.550 đồng, khớp 30,5 triệu đơn vị, nhiều mã đã đảo chiều tăng mạnh, thậm chí ROS cùng cặp đôi HAG – HNG nổi sóng lớn.
Nhóm cổ phiếu thép, ngoài HPG, sắc xanh cũng xuất hiện trở lại ở nhiều mã khác như HSG, NKG, TLH, thậm chí SMC tăng trần lên 39.550 đồng, chỉ còn POM, VIS giảm giá.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự HOSE khi có phiên chiều giao dịch khởi sắc về điểm số.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,57 điểm (+0,92%), lên 282,33 điểm với 128 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,3 triệu đơn vị, giá trị 1.978,9 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.
Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi có phiên giao dịch khởi sắc chiều nay. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,49%), lên 81,47 điểm với 182 mã tăng, 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,5 triệu đơn vị, giá trị 948 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 129,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,54% lên 1.380,17 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 5 tăng 2,4% lên 1.382,1 điểm với 302.367 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 31.123 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế giống như trên thị trường cơ sở, trong đó có nhiều mã tăng trần. Trong đó, tăng mạnh nhất là CHPG2108 do KIS phát hành tăng 35,8% lên 3.260 đồng, thanh khoản 100.000 đơn vị. Trong khi mã có thanh khoản tốt nhất là CTCH2001 cũng do KIS phát hành với gần 1,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 23,1% xuống 100 đồng. Một mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CTCB2103 do HSC phát hành và đóng cửa tăng trần (16,1%), lên 11.510 đồng.
NAM SƠN (Tổng hợp)