Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP của châu Á và Thái Bình Dương

(BKTO) - Nghiên cứu mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển giảm 17% vào năm 2070 theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức cao, tăng lên 41% vào năm 2100.

adb.jpg
Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tăng tốc, có tới 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỷ USD tài sản ven biển có thể bị tổn thất mỗi năm vào năm 2070. Ảnh: ST

Theo ADB, mực nước biển dâng và năng suất lao động giảm sẽ gây ra thiệt hại lớn nhất, trong đó, các nền kinh tế thu nhập thấp hơn và dễ đổ vỡ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nghiên cứu mới này được trình bày trong ấn bản lần đầu tiên của Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương của ADB, nêu cụ thể một loạt những tác động tổn hại đang đe dọa khu vực. Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tăng tốc, có tới 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỉ USD tài sản ven biển có thể bị tổn thất mỗi năm vào năm 2070.

Chủ tịch ADB - ông Masatsugu Asakawa - cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự tàn phá từ các cơn bão nhiệt đới, nắng nóng và lũ lụt trong khu vực, góp phần gây ra những thách thức kinh tế chưa từng có và gây ra đau khổ cho con người. Cần có hành động khẩn cấp, phối hợp tốt về khí hậu để giải quyết những tác động này trước khi quá muộn. Báo cáo về khí hậu này cung cấp thông tin chi tiết về cách thức tài trợ cho các nhu cầu thích ứng khẩn cấp và đưa ra các khuyến nghị chính sách đầy hứa hẹn cho các chính phủ ở các quốc gia thành viên đang phát triển của chúng tôi về cách thức giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất.”

Báo cáo cho thấy xu hướng của người dân trong khu vực ủng hộ hành động vì khí hậu. Trong một nghiên cứu về nhận thức biến đổi khí hậu của ADB năm nay, 91% số người được hỏi tại 14 nền kinh tế trong khu vực cho biết họ coi hiện tượng ấm lên toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng, trong đó, nhiều người mong muốn chính phủ có hành động quyết liệt hơn.

Các hành động thích ứng cần được đẩy nhanh để giải quyết những rủi ro khí hậu đang gia tăng, cùng với yêu cầu cấp bách phải nâng cao đáng kể nguồn tài chính khí hậu tập trung vào thích ứng.

Báo cáo đánh giá nhu cầu đầu tư hằng năm cho các quốc gia trong khu vực để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức từ 102 tỷ USD đến 431 tỷ USD - vượt xa mức 34 tỷ USD tài trợ cho hành động thích ứng được ghi nhận trong khu vực vào năm 2021-2022. Các cải cách quy định của chính phủ và việc tăng cường nhận thức về rủi ro khí hậu đang giúp thu hút các nguồn tài chính khí hậu tư nhân mới, nhưng vẫn cần có những dòng đầu tư tư nhân lớn hơn nhiều.

Về mặt giảm thiểu, báo cáo cho thấy khu vực này đang ở vị thế thuận lợi để áp dụng năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 và việc thúc đẩy thị trường carbon trong nước và quốc tế có thể giúp đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu một cách hiệu quả về mặt chi phí./.

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
    20 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Giai đoạn 2021-2025 có bối cảnh rất đặc biệt, song Thành phố Hà Nội đã hoàn thành được "mục tiêu kép", đảm bảo tốt an sinh xã hội.
  • Giải quyết vướng mắc tại 7 dự án trọng điểm của Thái Bình
    20 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Liên quan đến giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng và tái định cư cho người dân thuộc 7 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp ngành tích cực giải quyết vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
  • Nam Định: Nỗ lực phòng, chống khai thác IUU
    20 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
  • SABECO đạt lợi nhuận hơn 1.161 tỷ đồng trong quý III
    20 ngày trước Doanh nghiệp
    Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tốt, tích cực tiết giảm chi phí bán hàng là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho Bia Sài Gòn tăng trưởng về doanh thu, mặc dù Nghị định 100 được thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
  • Tăng cường hợp tác kinh doanh sản phẩm dầu khí với Ả-rập Xê-út, Qatar
    20 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 29/10, tại Thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Saudi Aramco đã Ký kết thỏa thuận khung về hợp tác trong việc kinh doanh sản phẩm dầu khí.
Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP của châu Á và Thái Bình Dương