Bình Thuận tập trung thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về nông thôn mới

(BKTO) - Tính đến ngày 15/10/2023, lũy kế toàn tỉnh Bình Thuận có 72/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NMT), đạt 77,42%; trong đó, có xã Trà Tân đạt chuẩn NTM nâng cao.

5d7696ef9c5ffd0dtn1.jpg
Bình Thuận chú trọng xây dựng NTM, NTM nâng cao. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM cấp xã hiện nay của tỉnh đạt 1.587 tiêu chí, bình quân đạt 17,06 tiêu chí/xã, cụ thể số xã đạt 19 tiêu chí là 72 xã (77,42%); số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 01 xã (1,08%); số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 14 xã (15,05%); số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là 06 xã (6,45%). Căn cứ theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM cấp huyện, hiện nay toàn tỉnh đạt 41 tiêu chí, bình quân 5,13 tiêu chí/huyện, tăng 01 tiêu chí so với năm 2022.

Mục tiêu trong năm 2023 của tỉnh Bình Thuận là phải hoàn thành 03 xã đạt chuẩn NTM và 04 xã đạt chuẩn NMT nâng cao. Tính đến ngày 15/10/2023, lũy kế toàn tỉnh có 72/93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 77,42%; trong đó, có xã Trà Tân đạt chuẩn NTM nâng cao. Tiếp tục duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là huyện Phú Quý và huyện Đức Linh.

Toàn tỉnh có 04 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2023; tuy nhiên, hiện nay, các xã này mới chỉ đạt từ 12 - 16/19 tiêu chí.

Có 08 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Các xã này hiện nay mới chỉ đạt từ 08 - 16/19 tiêu chí.

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, việc vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn; một số nơi, kết quả thực hiện các tiêu chí chưa thực sự bền vững; phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tham gia xây dựng NTM chưa thật sự lan tỏa trong cộng đồng.

Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ nông thôn, cơ sở vật chất trường học còn hạn chế. Một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NMT giai đoạn 2021-2025 ở mức cao hơn nên việc xây dựng NMT ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, mục đích của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là xây dựng nông thôn ngày càng sạch, đẹp hơn, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Để đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành của tỉnh tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương có chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí về nước sạch, hạ tầng trường học; đồng thời, quan tâm thẩm định các tiêu chí cho các địa phương. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chương trình phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, tránh sai sót; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện Chương trình.

Nhiều vấn đề được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận lưu ý trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cũng chính là những vấn đề được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra, qua công tác kiểm toán vừa qua.

Cụ thể, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương trên cả nước, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong thực hiện Chương trình. Đơn cử, về tổng hợp quyết toán kinh phí Chương trình, tại các tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí từ NSĐP hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện Chương trình MTQG (trong đó có Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025), năm 2021, 2022 đều không được các huyện, thị xã theo dõi, tổng hợp quyết toán kinh phí riêng cho Chương trình. Việc tổng hợp số liệu nguồn kinh phí và quyết toán kinh phí Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương không chính xác được số liệu nguồn vốn đầu tư cho Chương trình năm 2021, 2022.

Các chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đều thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch giao; tiến độ triển khai một số nội dung cụ thể của 05 Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 còn chậm hoặc chưa được triển khai.

KTNN kiến nghị các địa phương được kiểm toán chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Cùng chuyên mục
Bình Thuận tập trung thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về nông thôn mới