Bộ Công Thương hành động để giảm phát thải, bảo vệ môi trường

(BKTO) - Dự báo đến năm 2030, phát thải của ngành Công Thương chiếm tới 80% tổng phát thải quốc gia. Để giảm thiểu tác động, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai các hoạt động về COP26 - ông Tăng Thế Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết.



                
   

Cần hành động mạnh mẽ để giảm phát thải ra môi trường.Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 12/10, ông Hùng chia sẻ, trong Kế hoạch hành động, Bộ đã đưa vào nhiều nội dung triển khai các cam kết tại COP26 nhằm giảm thải hiệu ứng nhà kính của ngành Công Thương.

Những nội dung chính bao gồm: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi mô hình nguồn cung năng lượng theo hướng xanh hơn, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như lưu trữ và sử dụng carbon, một số giải pháp giữa công nghệ và chuyển dịch năng lượng bằng việc chuyển đổi sang các loại nhiên liệu mới như hydro và amoniac xanh.

Những phương án này đã được Bộ xem xét, đưa vào các quy hoạch, chiến lược phát triển điện và trình Chính phủ, trong đó có Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện VIII.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành xây dựng các quy định về giảm phát thải nhà kính như xây dựng thị trường cacbon, trong đó có việc xây dựng các khung pháp lý cho doanh nghiệp tham gia thị trường đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng quy định về báo cáo thẩm tra để tạo cơ chế giám sát trong hoạt động của thị trường.

Ngoài ra, các Bộ, ngành sẽ phải hướng dẫn các cơ sở phát thải lớn kiểm kê khí nhà kính trong các năm theo quy định. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với World Bank tập trung thực hiện trong 02 ngành có mức phát thải lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp là thép và nhiện điện.

Hiện nay, các quốc gia phát triển đã đưa ra chính sách chống dò rỉ cacbon xuyên biên giới gọi tắt là thuế cacbon, đây là một vấn đề mới, nên trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế xem xét, hướng dẫn và nghiên cứu giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp cho vấn đề giảm dấu vết cacbon để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu - ông Hùng nhấn mạnh./.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Bộ Công Thương hành động để giảm phát thải, bảo vệ môi trường