Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Nguồn: MPI |
Trong đó, theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) thực hiện và công bố, Việt Nam có 96,2 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Đồng thời, sau khi đánh giá lại quy mô nền kinh tế, đến năm 2017, tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam tăng thêm 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 275 tỷ USD.
Việc đánh giá đúng quy mô của nền kinh tế và nguồn lực của đất nước là một yêu cầu của Thủ tướng, tạo cơ sở dữ liệu quan trọng để Bộ KH&ĐT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoạch định những chính sách hiệu quả để giải phóng các nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, cũng như đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thông qua việc tham mưu hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, bổ sung, sửa đổi nhiều chính sách, Bộ KH&ĐT đã góp phần đưa số lượng doanh nghiệp thành lập mới của cả nước tăng kỷ lục trong 5 năm liên tiếp. Với trên 138 nghìn doanh nghiệp ra nhập thị trường trong năm 2019 đã đưa tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước lên gần 800 nghìn doanh nghiệp. Đồng thời, có trên 2 nghìn hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã trên cả nước lên trên 24 nghìn hợp tác xã.
Nguồn: GSO |
Khu vực doanh nghiệp tư nhân không ngừng lớn mạnh, gia tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, hạ tầng giao thông và nhiều lĩnh vực khác, đưa tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tới 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ USD đã được giải ngân.
Một con số minh chứng nữa là cuối năm 2019, gần 3.000 doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT tổ chức, hơn gấp 3 lần so với dự kiến đã cho thấy sự hồ hởi và niềm tin của giới doanh nhân trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong số 12 hội nghị toàn quốc được tổ chức trong năm 2019, Bộ KH&ĐT tổ chức 7 hội nghị (5 hội nghị đã tổ chức trong năm 2019, 2 hội nghị sẽ tổ chức đầu quý I/2020), trong đó có Diễn đàn bền vững Việt Nam 2019; Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia; Diễn đàn Kinh tế hợp tác và Hợp tác xã năm 2019; Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019; chuỗi Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công, phát triển vùng kinh tế trọng điểm và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với chuỗi Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và tham vấn mô hình đầu tư theo phương thức công - tư.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đã tổ chức 44 sự kiện tầm quốc gia trong năm 2019, góp phần từng bước xác định rõ các nguồn lực của đất nước, gợi mở các giải pháp hiệu quả để nền kinh tế Việt Nam có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và bẫy rác thải công nghệ.
Năm 2019, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, tạo lập môi trường hành chính hiện đại, minh bạch, công bằng và tiết kiệm chi phí cho người dân. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong năm 2019 đã có trên 182 triệu lượt truy cập, tăng 1,22 lần so với năm 2018. Chỉ số Gia nhập thị trường nhận được sự hài lòng nhất của doanh nghiệp trong 14 năm liên tiếp, từ năm 2005 đến nay.
Trong số 10.500 nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao cho các Bộ và địa phương, Bộ KH&ĐT được giao và đã hoàn thành 650 nhiệm vụ, chiếm 6,2%. Trong số 513 đề án lớn năm 2019 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã được giao tổ chức triển khai và hoàn thành 53 đề án, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%, chiếm hơn 1/10 tổng số đề án.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định, với mức tăng trưởng GDP cả nước đạt trên 7% trong 02 năm qua đã củng cố thêm niềm tin, đất nước Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao sau 5 năm nữa.
Năm 2020, Bộ KH&ĐT sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp hiệu quả góp phần giúp cả nước tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng 7%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao và đổi mới sáng tạo cùng với kinh tế số tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế- lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
QUỲNH ANH