Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024

(BKTO) - Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó phần lớn là các việc quan trọng của nền kinh tế.

15-7-khdt.jpg
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ KHĐT, đánh giá các kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp để nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động trong tham mưu phương hướng, nhiệm vụ mới

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, rất đáng khích lệ, đã hoàn thành và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là thời điểm quan trọng để toàn Ngành KHĐT cùng nhìn lại, đánh giá khách quan, thực chất các công việc đã làm được và cả những việc chưa làm được như kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, rút ra cách làm hay, bài học tốt để cùng nhau làm tốt hơn, sáng tạo, đột phá hơn và hiệu quả hơn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước năm 2024 và thời gian tới.

Nhấn mạnh 6 tháng tới là thời gian đặc biệt quan trọng, với nhiều công việc, nhiệm vụ lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị toàn Ngành quan tâm, chú ý rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các ngành, lĩnh vực, các địa phương.

Đặc biệt là, phải tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách, quy định mới ban hành, đồng thời có những giải pháp mới, mang tính đột phá cho tăng trưởng và phát triển để đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu mới đặt ra trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024.

Đồng thời, chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng các kế hoạch, phương hướng, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các ngành, lĩnh vực năm 2025; Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động trong cải cách, phát triển, tầm nhìn dài hạn và chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo, lấy phát triển để ổn định để tham mưu phương hướng, nhiệm vụ mới cho cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong giai đoạn 2026-2030.

Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa, sáng tạo hơn nữa công tác tham mưu, phải bám sát tình hình, chủ động kiến tạo và khai thác những thời cơ, cơ hội mới cho phát triển đất nước”.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đã đủ sâu sát, quyết liệt chưa? Nhất là về hoàn thiện pháp luật; thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; thu hút FDI, thúc đẩy đầu tư tư nhân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; phát triển các ngành, lĩnh vực mới, tiềm năng…

Bên cạnh đó, phân tích sâu sắc thêm bối cảnh, tình hình thời gian tới, các giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cao hơn, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê với các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức xây dựng kế hoạch năm 2025, chuẩn bị tổng kết, đánh giá kế hoạch 5 năm 2021-2025 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030.

Ngoài ra, chú trọng các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu đặt ra trong công tác xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và kế hoạch trung hạn 2026-2030; kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quy hoạch… Các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…; tăng cường liên kết vùng, phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024

Báo cáo Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ KHĐT nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ được giao nhiều đề án lớn, quan trọng. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước.

15.7-toan-canh-khdt.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với công tác tham mưu điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ KHĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 04 Nghị quyết của Quốc hội, 04 Nghị định của Chính phủ (hiện đang trình 07 Nghị định chờ ban hành), 04 Nghị quyết của Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư của Bộ trưởng; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của Tổ công tác liên Bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn đầu tư kinh doanh, 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, 07 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án quan trọng quốc gia; hoàn thành 45 đề án, báo cáo lớn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KHĐT…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí chung về 7 nội dung phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phương châm hành động của Bộ KHĐT trong 6 tháng cuối năm 2024.

Một là, tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ba là, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Bốn là, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng để xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.

Năm là, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; (ii) Trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời, bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp...

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 20/2023/NĐ-CP và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.

Bảy là, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ./.

Cùng chuyên mục
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024