
Room tín dụng và vai trò lịch sử
Room tín dụng (hạn mức tăng trưởng tín dụng) đối với ngân hàng là một công cụ chính sách tiền tệ, thường được sử dụng trong giai đoạn kinh tế có lạm phát cao, tín dụng tăng trưởng nóng. Hiện nay, khoảng 20 quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng công cụ này để kiểm soát chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn hệ thống ngân hàng.
Tại Việt Nam, năm 1994, trong bối cảnh lạm phát và tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu áp dụng công cụ này. Tuy nhiên, do hiệu quả không như kỳ vọng, đến năm 1998, công cụ đã được tạm ngừng trong điều hành chính sách tiền tệ.
Trong các năm 2011-2012, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát khi đó lên tới hơn 18%; tín dụng tăng trưởng nóng, bình quân trên 30% mỗi năm, vượt quá khả năng quản trị của các ngân hàng, dẫn đến nợ xấu phình to; nhiều TCTD đứng bên bờ vực phá sản; lãi suất thị trường tăng cao, cạnh tranh không lành mạnh. Trước tình hình đó, từ năm 2012, NHNN đã tái áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thực hiện, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - đánh giá: “Đây là biện pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD, khôi phục niềm tin của thị trường và người dân vào hệ thống ngân hàng”.
Lộ diện những hạn chế
Dù có những đóng góp rõ nét trong điều hành chính sách tiền tệ, song theo các chuyên gia, cơ chế phân bổ này đã bộc lộ nhiều hạn chế - nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, đòi hỏi cần khơi thông mạnh mẽ dòng vốn tín dụng.
PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Việc áp dụng room tín dụng khiến một số ngân hàng có năng lực tài chính tốt, hệ số an toàn cao, khả năng quản trị rủi ro hiệu quả nhưng lại không thể mở rộng cho vay. Việc phân bổ tín dụng theo hạn mức dễ dẫn đến tình trạng “xin - cho”, gây ra những lo ngại về tính minh bạch, công bằng và làm suy giảm động lực cạnh tranh trong toàn hệ thống.
Không ít doanh nghiệp cũng phải chạy vạy tìm đến các ngân hàng còn dư room để vay vốn - khiến chi phí giao dịch đội lên, thời gian tiếp cận vốn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… kiểm soát cung tiền và tín dụng thông qua các công cụ chính như: Lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở. Hệ thống tín dụng ở các nước này được giám sát định kỳ bởi các tổ chức độc lập - đóng vai trò then chốt trong việc quyết định khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế đều cho thấy, NHNN cần xem xét gỡ bỏ công cụ hành chính hạn mức tín dụng, thay bằng cơ chế điều hành thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Đây là yêu cầu đánh dấu một bước ngoặt lớn - sự chuyển mình từ cơ chế quản lý hành chính sang điều hành tín dụng theo quy luật thị trường” - TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính nhận định.
Xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả
Trong hai năm gần đây, NHNN đã từng bước điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng tiệm cận thông lệ quốc tế. Đầu năm 2024, NHNN chuyển sang giao chỉ tiêu tín dụng có kiểm soát cho các TCTD. Từ năm 2025, chỉ tiêu tín dụng đã được gỡ bỏ hoàn toàn đối với ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phi ngân hàng; hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước từng kiến nghị NHNN tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, NHNN cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tăng trưởng tín dụng, xây dựng tiêu chí giám sát hoạt động cấp tín dụng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc không áp dụng room tín dụng được bảo đảm bằng các công cụ quản lý, giám sát hiệu quả. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể học hỏi mô hình này trong quá trình chuyển đổi.

TS. Lê Đạt Chí - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - khuyến nghị: Nếu bỏ room tín dụng, cần siết chặt các quy định về an toàn vốn và quản trị rủi ro. NHNN cần sớm ban hành quy định cụ thể, minh bạch về phân loại nhóm tài sản có rủi ro và hệ số rủi ro cho từng loại tài sản.
Theo ông Dương Quang Minh - Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV - khi không còn room tín dụng, NHNN cần chuyển từ vai trò “kiểm soát hành chính” sang “giám sát thị trường” bằng các công cụ như lãi suất điều hành, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), hệ số rủi ro tài sản (RWA)...
NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để báo cáo Chính phủ về lộ trình tiến tới bỏ hoàn toàn room tín dụng và sẽ có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp, bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, kiểm soát lạm phát và duy trì an ninh kinh tế.
Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, như một cơ chế thay thế. Theo đó, PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân gợi mở: Bộ tiêu chí này cần tập trung vào các chỉ số cốt lõi như chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, mức độ trích lập dự phòng rủi ro, khả năng thanh khoản…, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng quản trị của từng TCTD.
Bộ tiêu chí cũng cần xem xét mức độ minh bạch thông tin, khả năng đáp ứng các chuẩn mực về báo cáo - kiểm toán, cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong giám sát hoạt động tín dụng. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh: Khi bỏ room tín dụng, cần phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN và kiểm toán độc lập. Đây là lực lượng nòng cốt giúp phát hiện kịp thời các sai sót, đưa ra cảnh báo sớm về rủi ro hệ thống ngân hàng và nền kinh tế./.