Bổ sung giải pháp tránh chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Đây là yêu cầu của các thành viên Hội đồng Khoa học KTNN tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN” vừa diễn ra sáng nay (23/9).




                
   

Toàn cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài do ThS. Dương Quang Chính - Chánh Thanh tra, Thanh tra KTNN và ThS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia - đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp quan trọng và quyết định thuộc về công tác quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán.

Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp và yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của công chức, kiểm toán viên (KTV) nhà nước luôn là một thách thức lớn.

Hiện tại, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán được giao cho nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến vừa phân tán, vừa trùng lặp về nội dung, đối tượng và thời gian thực hiện. Các văn bản về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa được ban hành đầy đủ, giá trị pháp lý thấp. Đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát còn thiếu… Do vậy, việc nghiên cứu Đề tài là rất cần thiết.

Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của KTNN; Chương 2 - Thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN.
                
   

Ban Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá mục tiêu, kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh tính độc lập, liêm chính của KTV.

Với mong muốn Đề tài có nhiều đóng góp khoa học và thiết thực hơn nữa, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài bổ sung kết quả, dẫn chứng cho một số nhận định, đánh giá hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) ở Chương 2; xem xét tính khả thi của việc đánh giá bằng chứng kiểm toán làm cơ sở cho kết luận, kiến nghị kiểm toán khi thẩm định báo cáo kiểm toán nếu các đơn vị tham gia thẩm định không thực hiện giám sát, kiểm soát giai đoạn thực hiện kiểm toán; lưu ý cập nhật Quy chế KSCLKT mới.

Đặc biệt, về các giải pháp để tránh chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại Chương 3, Ban Đề tài cân nhắc bổ sung 2 yêu cầu. Một là, phân cấp, phân quyền, phân định phạm vi rõ ràng cho từng đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra, KSCLKT gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Hai là, quan tâm công tác phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, gồm cả kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát năm và kế hoạch đột xuất để tránh chồng chéo, trùng lặp và bỏ sót phạm vi kiểm soát.

Ngoài ra, Ban Đề tài xem xét, bổ sung kiến nghị việc KTNN cần xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và tổ chức các lớp bồi dưỡng hằng năm để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho KTV về tầm quan trọng của các công tác này.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Đề tài.
   Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao những đóng góp thiết thực, khoa học của Đề tài, đồng thời đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề tài rà soát lại các kiến nghị để vừa đảm bảo ý nghĩa khoa học vừa đảm bảo tính thực tiễn cũng như cập nhật các văn bản mới; những vấn đề thuộc quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như của KTNN cần được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp xu thế cũng như thực trạng hiện nay.

Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần nghiên cứu thêm về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; xem xét rõ thực trạng để đề xuất, kiến nghị cho hợp lý, logic; bổ sung việc xây dựng tiêu chuẩn công chức làm công tác thanh tra; cập nhật các tiêu chuẩn về KTV, cán bộ lãnh đạo quản lý ngoài các tiêu chuẩn chung của Ngành.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Bổ sung giải pháp tránh chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán