Bổ sung vi chất dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ

(BKTO) - Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể. Thiếu vi chất gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.



Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như: tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 cuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%); Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao….

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn cao nhưng đã giảm thấp hơn hầu hết các nước ở khu vực châu Á và hiện nay còn cao hơn của các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, I rắc và Srilanka. Chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt Nam là 1,64m và 1,55m. Trong các nước ASEAN, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tương ứng với Indonesia (1,64m và 1,55m) và Phillipines (1,65m và 1,56m) và thấp hơn so với Malaysia (1,68m và 1,58m) và Thái Lan (1,68m và 1,57m).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
                
   

Cho trẻ uống Vitamin A định kỳ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

   

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam biểu hiện chủ yếu như: thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % ở trẻ em < 5 tuổi; 54,3% ở phụ nữ có thai và 37,7% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, trong các trường hợp thiếu máu. Cùng với đó là tình trạng thiếu kẽm; thiếu vitamin D và can xi; thiếu Iốt…

Tập trung nhiều giải pháp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam

Để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 - 2020, với các giải pháp đồng bộ gồm: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.

Đặc biệt, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả, dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
                
   

Đảm bảo bữa ăn đa dang thực phẩm,đủ dinh dưỡng cho trẻ

   
Cùng với đó, công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện thành công công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khuyến khích người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh cần được uống vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.

Những năm qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia với nhiệm vụ là cơ quan đầu ngành về dinh dưỡng đã tham mưu tích cực cho Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách về cải thiện tình trạng dinh dưỡng, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho toàn dân; hoàn thiện các hướng dẫn quốc gia phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, xây dựng và thực hiện triển khai chương trình sữa học đường, ban hành bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm… Bên cạnh đó, Viện cũng đang tập trung nghiên cứu, sản xuất và phát triển các loại sản phẩm tăng cường vi chất đáp ứng cho nhu cầu của người dân…
         
Ở Việt Nam đã có Chương trình Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như Chương trình Phòng chống thiếu vitamin A, bằng các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng, 1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng. Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu iốt bằng khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn. Chương trình Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng bằng cách cho phụ nữ có thai uống viên sắt - acid folic trong suốt thai kỳ.
Bài và ảnh: HỒNG HẢI
Cùng chuyên mục
Bổ sung vi chất dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ