Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với công chức, đảng viên sinh con thứ 3

(BKTO) - Bộ Y tế đang trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con.

tre-so-sinh.jpg
Bộ Y tế đang đề xuất bãi bỏ quy định về kỷ luật đảng viên khi sinh con thứ 3. Ảnh minh họa: laodong.vn

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, cho biết Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong Dự thảo Luật Dân số, trong đó có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây.

Theo ông Dũng, đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm.

Cụ thể, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong Dự thảo Luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Cục Dân số, tại Việt Nam, trong hai thập kỷ qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ. Mức sinh tại khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ.

Tuy nhiên, năm 2023, mức sinh tại khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp nhưng vẫn ở mức 0,37 con/phụ nữ vào năm 2023. Mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết thêm, với chính sách duy trì mức sinh thay thế, Bộ Y tế xây dựng theo hướng: Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Đặc biệt, theo ông Dũng, lâu nay, quy định kỷ luật sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân. Đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm về sinh con.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cũng nêu rõ, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già; năm 2039, Việt Nam kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số rất già.

Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như: tốc độ tăng trưởng giảm; tạo ra nhu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất khác để duy trì tăng trưởng.

Già hóa dân số cũng sẽ gây áp lực ngày càng gia tăng với hệ thống hưu trí và y tế; tạo thêm những thách thức đối với nguồn tài chính của quốc gia; hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi sẽ sớm trở thành mối trở ngại.

Theo đại biểu, trước thực trạng Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già, cần duy trì mức sinh thay thế trên cả nước. Việc điều chỉnh Pháp lệnh dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết.

"Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật khi sinh con thứ 3 còn phù hợp hay không để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời" - đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề xuất.

Cùng chuyên mục
Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với công chức, đảng viên sinh con thứ 3