Bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

3-.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: noichinh.vn

Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương (T.Ư) về PCTNTC (Ban Chỉ đạo), từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện T.Ư quản lý (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII) và hơn 1.700ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Đáng chú ý, chỉ tính riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII); trong 6 tháng đầu năm đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2023, kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC…

Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước được chỉ đạo xử lý bài bản, thận trọng, nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo…

Việt Nam là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng

Theo nhận định của giới chuyên gia, công tác PCTNTC ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực cả về phạm vi, mức độ, số lượng lẫn tính chất vụ việc. Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Hồng Hải - Nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai Chính sách (Đại học Queensland, Australia) - nêu rõ, quyết tâm PCTNTC ở Việt Nam xuất phát từ 3 điểm. Trước tiên, nhận thức về nguy cơ do tham nhũng đối với chế độ. Quyền lực dễ dẫn đến tha hóa và tham nhũng, trong khi tham nhũng giống như con mọt trong cột gỗ, cứ gặm nhấm và làm mục ruỗng cái cột để rồi đến một ngày cái cột sụp đổ.

Thứ hai, đất nước đã bước vào giai đoạn phát triển mới từ khi tiến hành công cuộc đổi mới với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Rõ ràng, chống tham nhũng có quan hệ với kết quả thực hiện mục tiêu này. Vì vậy, không chống tham nhũng đến cùng, không chặn được tham nhũng thì khó hoàn thành mục tiêu trên một cách thực chất.

Thứ ba, vì danh dự và uy tín của Đảng đối với người dân và đối với bạn bè nước ngoài. TS. Nguyễn Hồng Hải tin rằng, nếu có chỉ số đánh giá mức tín nhiệm tích cực của người dân về công cuộc PCTNTC, chắc chắn chỉ số đó sẽ tăng qua từng năm. Số vụ việc tham nhũng được xử lý công khai càng nhiều sẽ càng nâng cao mức độ tín nhiệm đối với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước.

Trong khi đó, TS. Chu Hoàng Long - Chuyên gia về kinh tế Việt Nam (Đại học Quốc gia Australia) - cho biết, việc Việt Nam thăng hạng trong báo cáo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) gần đây nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế là dấu hiệu cho thấy đánh giá về chống tham nhũng của Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế. Trong báo cáo CPI mới nhất, Tổ chức Minh bạch quốc tế kết luận, trong số 180 nước được xếp hạng, 31 nước có tình hình tham nhũng xấu đi; 124 nước dẫm chân tại chỗ và chỉ có 25 nước có tiến bộ, trong đó có Việt Nam, tăng 3 điểm và 10 bậc so với xếp hạng lần trước.

“Nhìn vào chỉ số này, có thể nói Việt Nam là một điểm sáng trong phòng, chống tham nhũng” - TS. Chu Hoàng Long nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự vững tin về chủ thuyết và lý luận, cùng sự quyết liệt và sức mạnh chính trị. Để chống tham nhũng cần phải tập trung vào các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham nhũng. Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tham nhũng là sự thiếu minh bạch, qua đó cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong việc thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu, những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, công tác PCTNTC phải luôn tổng kết, rút kinh nghiệm; làm kịp thời, quyết liệt, nhịp nhàng hơn nữa; kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào. Các cơ quan chức năng làm công tác PCTNTC phải xây dựng những chính sách, thể chế, cơ chế chặt chẽ, thiết thực và có sự phối hợp ăn khớp; có bản lĩnh, trình độ, kiên định, kiên cường, phối hợp chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác PCTNTC, xây dựng chính sách, quy định để ngăn chặn từ sớm, từ xa. “Trước hết, thành viên Ban Chỉ đạo gương mẫu đi đầu trong công tác PCTNTC, giữ mình trong sạch; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thêm một số quy chế cần thiết khắc phục ngay tình trạng né tránh, nể nang, đùn đẩy” - Tổng Bí thư lưu ý./.

Cùng chuyên mục
Bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực