Các cân nhắc về mặt đạo đức xung quanh việc sử dụng AI trong kế toán và kiểm toán

(BKTO) - Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều lợi ích trong kế toán và kiểm toán, được áp dụng rộng rãi, nhưng vẫn có nhiều hàm ý về mặt đạo đức liên quan đến việc sử dụng nó, bao gồm vấn đề về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

5..jpg
Phát triển kỹ năng mềm là yêu cầu cần thiết, trao quyền cho các kế toán, kiểm toán viên trên thị trường việc làm. Ảnh: ST

Xem xét và giám sát các nội dung do AI tạo ra

Cuộc thảo luận gần đây của các chuyên gia về đạo đức khi sử dụng AI trong kế toán và kiểm toán do Kiplinger (cộng đồng tập hợp các cố vấn, nhà quản lý và giám đốc điều hành) tổ chức đã đề cập đến những nỗ lực của ngành kiểm toán trong việc phát triển các chính sách và thông lệ tốt nhất xung quanh việc sử dụng AI. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, ngành này phải cân bằng giữa việc tận dụng khả năng của AI và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và phán đoán chuyên môn.

Sự phát triển của AI cho phép các cá nhân và tổ chức xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn nhất, số hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Đây là một trong những lợi ích mà các công ty kế toán, kiểm toán có được từ công nghệ. Tuy nhiên, AI không hoàn hảo, do đó, các kế toán, kiểm toán viên vẫn phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp khi sử dụng các công cụ AI; đồng thời tăng cường các kỹ năng về công nghệ để sử dụng AI hiệu quả, có kiểm soát.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc sử dụng AI có thể sẽ mang đến rủi ro về sự thiên vị và công bằng. AI được thiết kế để tìm hiểu và diễn giải thông tin dựa trên nhiệm vụ mục tiêu. Để đạt được điều này, AI sử dụng các thuật toán tập dữ liệu, thường dựa trên kiến thức chuyên môn hoặc các báo cáo và dữ liệu trước đây của tổ chức. Các dữ liệu này về cơ bản có sự tham gia của con người và có khả năng mang tính chủ quan hoặc thiên vị. Hậu quả gây ra là các thông tin đầu ra bị bóp méo, gây hiểu lầm cho tổ chức và dẫn đến kết quả không mong muốn.

Một hàm ý đạo đức khác của việc sử dụng AI trong kiểm toán là sự không chắc chắn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Hoạt động kế toán và kiểm toán đòi hỏi phải xử lý dữ liệu có tính bảo mật cao. Khi sử dụng AI, kiểm toán viên phải cung cấp các tập dữ liệu có thể chứa thông tin nhạy cảm. Hầu hết các cơ sở dữ liệu đều dễ bị tấn công và truy cập trái phép hoặc người dùng có thể can thiệp vào thông tin tài chính bí mật. Khi phát sinh các mối lo ngại về bảo mật, tổ chức gặp phải hậu quả bất lợi, chẳng hạn như kiện tụng, danh tiếng bị bóp méo và mất khách hàng quan trọng. Do đó, các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng AI phải bảo vệ nghiêm ngặt quyền riêng tư bằng các phương pháp như cài đặt mã hóa, kiểm soát truy cập và các chính sách/quy định bảo vệ dữ liệu.

Ngoài ra, các công ty kế toán, kiểm toán có thể gặp phải các vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình khi sử dụng AI. Kế toán đòi hỏi sự chính xác, cởi mở và rõ ràng về cách hệ thống đưa ra kết luận và quyết định. Tuy nhiên, có thể có những trường hợp khi các tổ chức sử dụng AI khiến những người dùng khó có thể theo dõi quá trình ra quyết định. Do đó, người dùng có thể đặt câu hỏi về tính công bằng và hợp lệ của kết quả tài chính hoặc kiểm toán do AI tạo ra.

Bên cạnh đó, có những trường hợp mà các tập dữ liệu thuật toán được sử dụng trong kế toán rất phức tạp, chẳng hạn như khi sử dụng nhiều nguồn dữ liệu và biến đổi khác nhau. Do đó, người dùng sẽ cần có kiến thức chuyên môn để phân tích và diễn giải đầu ra, điều mà một số bên liên quan có thể không có. Do đó, việc sử dụng AI trong kế toán làm nảy sinh nhiều mối quan ngại về mặt đạo đức liên quan đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Kết hợp chuyên môn với kỹ năng mềm và AI

Nghề kế toán và kiểm toán đang trải qua một sự chuyển đổi đáng kể và việc chỉ có kỹ năng chuyên môn thôi là không đủ để thành công. Để phát triển, các kế toán viên, kiểm toán viên cần kết hợp chuyên môn với kỹ năng mềm và công nghệ. AI đã tạo ra tác động tích cực trong ngành kế toán bằng cách tự động hóa các tác vụ thường lệ, giảm lỗi và tăng hiệu quả; phát hiện gian lận và xác định các lĩnh vực cần cải thiện; tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, giảm thiểu lãng phí và tiết kiệm chi phí... Khi tiếp tục phát triển, AI sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho ngành nghề này và các kế toán viên, kiểm toán viên cần kết hợp chuyên môn với các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng thích ứng và cộng tác để làm việc cùng AI.

Việc áp dụng AI và các kỹ năng mềm sẽ trở nên thiết yếu để các kế toán viên duy trì khả năng cạnh tranh và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao trong tương lai. Thực tế cho thấy, các kỹ năng mềm và AI không thể tách rời vì chúng bổ sung cho nhau đáng kể. Các tư vấn, đưa ra quyết định liên quan đến nhiệm vụ của kiểm toán thường dựa trên dữ liệu của AI. Ngoài ra, các kỹ năng mềm bổ sung cho AI bằng cách tăng cường sự nhanh nhẹn trong giải quyết vấn đề phức tạp, sự sáng tạo và đổi mới của con người giúp đề xuất các ý tưởng sáng tạo mà AI không thể thực hiện được.

Hơn nữa, các kỹ năng mềm rất có giá trị đối với việc triển khai AI trong kế toán do khả năng hợp lý hóa các quy trình giao tiếp và duy trì sự tham gia của các bên liên quan. Bằng chứng hữu hình chứng minh vai trò quan trọng của các kỹ năng mềm trong việc bổ sung cho AI chính là việc Công ty Apple đã tạo ra một nền văn hóa cho phép nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, sự hợp tác nhóm và trí tuệ cảm xúc bằng cách giữ chân và thu hút những nhân viên có kỹ năng mềm đặc biệt.

Tất nhiên, việc kết hợp các kỹ năng mềm với AI không phải dễ dàng. Phần lớn các tổ chức tập trung đào tạo các kỹ năng chuyên môn, học thuật và bỏ qua kỹ năng mềm, thậm chí mọi người thờ ơ, không biết đến các kỹ năng mềm. AI càng phát triển, con người có xu hướng phụ thuộc vào AI nhiều hơn dẫn đến khả năng phán đoán và ra quyết định, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề cũng giảm dần. Thêm vào đó, quá trình tự động hóa quá mức dẫn đến mất đi sự tiếp xúc và đồng cảm, làm tổn hại đến các mối quan hệ và trải nghiệm của khách hàng. Điều này có thể cản trở trí tuệ cảm xúc, yếu tố cần thiết cho giao tiếp và cộng tác hiệu quả trong hoạt động kế toán, kiểm toán.

Các chuyên gia khuyến nghị một số kỹ năng mềm chính mà các kế toán, kiểm toán viên phải phát triển, bao gồm: Kỹ năng giao tiếp để truyền đạt thông tin tài chính hiệu quả tới khách hàng và các bên liên quan; Kỹ năng cộng tác để làm việc hiệu quả với các nhóm chức năng; Trí tuệ cảm xúc để điều hướng các mối quan hệ phức tạp với khách hàng; Sáng tạo để tìm ra giải pháp cho các vấn đề kế toán phức tạp; Tư duy phản biện để phân tích dữ liệu tài chính phức tạp và đưa ra quyết định sáng suốt.

Chúng ta đang hướng đến một kỷ nguyên mà khả năng thích ứng và đổi mới là nền tảng của hiệu suất. Sự gia tăng nhu cầu đối với những cá nhân sở hữu các kỹ năng công nghệ sẽ định hình lại thị trường lao động, do đó, các kế toán, kiểm toán viên am hiểu công nghệ sẽ nổi bật. Trong bối cảnh này, các kế toán viên phải đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng để duy trì khả năng cạnh tranh. Phát triển kỹ năng mềm không còn là một điều tốt mà là một yêu cầu cần thiết, trao quyền cho các kế toán, kiểm toán viên trên thị trường việc làm. Tương lai của ngành nghề kế toán, kiểm toán thuộc về những người có thể thích nghi, đổi mới và phát triển các kỹ năng mềm bổ sung cho kỹ năng chuyên môn và công nghệ./.

Cùng chuyên mục
  • Nghĩa tình trong bão lũ
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Trước những mất mát, đau thương mà người dân vùng bão lũ đang phải gánh chịu, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kịp thời có hành động thiết thực hướng về vùng lũ để sẻ chia khó khăn với cuộc sống của người dân nơi đây ngay trong thời điểm thiên tai vẫn đang hoành hành.
  • INTOSAI WGBD sẽ thúc đẩy hợp tác và tăng cường nghiên cứu chuyên sâu
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kiểm toán bên lề Hội nghị Nhóm công tác Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGBD) lần thứ 8 do KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức tại Ninh Bình, đại diện Kiểm toán nhà nước (KTNN) Trung Quốc, Trưởng Nhóm INTOSAI WGBD - ông Ma Wenhui, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trung Quốc - cho biết, thời gian tới, Nhóm sẽ đẩy mạnh hợp tác, tăng cường nghiên cứu chuyên sâu các chủ đề xuyên quốc gia và ứng dụng AI, các mô hình ngôn ngữ lớn trong lĩnh vực kiểm toán.
  • Ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán là mục tiêu xuyên suốt của INTOSAI WGBD
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Nhóm công tác về Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGBD). Trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) “bùng nổ” như hiện nay, thì quản trị dữ liệu được coi là công cụ mới hiệu quả, mở ra những hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh thông tin này khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kiểm toán.
  • Dữ liệu lớn thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao
    7 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Để vượt qua các thách thức trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của dữ liệu lớn và các công nghệ hiện đại, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cần tăng cường quản trị dữ liệu - công cụ mới hiệu quả trong hoạt động kiểm toán.
  • Nâng cao chất lượng kiểm toán để khẳng định vị thế của Kiểm toán nhà nước
    7 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban công tác toàn Ngành tháng 9/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong hệ thống chính trị chỉ có được thông qua chất lượng kiểm toán. Do đó, các đơn vị, các đoàn kiểm toán cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt tất cả các khâu, quy trình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán của KTNN.
Các cân nhắc về mặt đạo đức xung quanh việc sử dụng AI trong kế toán và kiểm toán