Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20/11. Ảnh: Chính phủ |
Biến thách thức thành động lực để đổi mới giáo dục
Mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự lớn của các thầy cô, với mong muốn được nhận những chia sẻ, động viên của Thủ tướng.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công, là tương lai của dân tộc Việt Nam”.
Tại cuộc gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ suy nghĩ, nêu những giải pháp, kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Gần 2 năm qua, giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.
Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành đã tổ chức triển khai Kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn và đảm bảo yêu cầu chống dịch, được dư luận đánh giá cao. Cả nước ghi nhận sự cố gắng nỗ lực này của toàn ngành. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới, phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Chính phủ |
Tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học...
Năm học 2020-2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương; tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thứ nhất,Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để việc học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine.
Thứ hai,Chính phủ tiếp tục yêu cầu các Bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Thứ ba,Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã giảm học phí cho các cháu nhưng vấn có một số nơi chưa làm. Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do Covid-19, các Bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi.
Thứ tư, để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến.
Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Nhân dịp 20/11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân danh cá nhân, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. “Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”./.