Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

(BKTO) - Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải đối phó với những biến động gia tăng do việc đồng USD lên giá, khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay giảm đi.

Các đồng nội tệ chịu sức ép lớn

do-la-reuters.jpg
Đồng USD lên giá đã tạo sức ép lớn lên các đồng nội tệ của các nền kinh tế khác - Ảnh minh họa

Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải đối phó với những biến động gia tăng do việc đồng USD lên giá, khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay giảm đi, gây ra những tác động đến đồng yen, nhân dân tệ và các đồng tiền khác trong khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ trong những ngày gần đây, khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa lãi suất cao tại Mỹ và lãi suất thấp ở các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á.

Đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á tin tưởng hơn rằng một loạt các quyết định hạ lãi suất tại Mỹ sẽ thu hẹp mức chênh lệch. Tuy nhiên, việc số liệu lạm phát Mỹ vượt dự báo trong ba tháng và hoạt động kinh tế mạnh đã đã làm đảo lộn kế hoạch đó.

Việc các nhà đầu tư chuyển hướng tới các tài sản sinh lời hơn của Mỹ đã khiến đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm là trên 154 yen/USD và đây cũng là phép thử đối với chính sách tiền tệ ổn định của Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới tỷ giá tham chiếu hàng ngày mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), đặt ra. Trong khi đó, đồng won chạm mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 11/2022.

Biến động tỷ giá đã thúc đẩy các hành động chính sách, từ việc ba nước ra tuyên bố chung trong việc giải quyết những lo ngại lớn khi đồng yen và đồng won gần đây giảm giá mạnh đến các cảnh báo từ PBoC trước hoạt động đầu cơ theo chiều xuống giá của đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những cảnh báo, đặc biệt là của Mỹ và Nhật Bản, chỉ cho thấy chính phủ các nước này ít khả năng sẽ can thiệp vào thị trường.

Nhà phân tích Junya Tanase tại JPMorgan Chase nhận định các động thái can thiệp đơn phương là hiếm khi xảy a khi tất cả các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thả nổi đồng tiền.

Trước đây, một số lần can thiệp chung đã được thực hiện trong khuôn khổ G7, và những động thái như việc hiếm khi xảy ra hơn và chỉ trong các cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda trong phát biểu vào tuần này nói BoJ có thể nâng lãi suất nếu tác động từ việc đồng yen xuống giá trở nên quá lớn không thể bỏ qua.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc không dễ dàng trong việc xác định mức độ nới lỏng kiểm soát biến động của đồng nhân dân tệ, trong lúc vừa phải tháo gỡ các khó khăn trong nước vừa phải đối mặt với phàn nàn của các đối tác thương mại liên quan đến hàng xuất khẩu giá rẻ của nước này.

Trong những tuần gần đây, PBoC đối mặt với việc thị trường dự báo đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục xuống giá do chênh lệch giữa lãi suất thấp tại Trung Quốc và lãi suất cao tại Mỹ.

Hàn Quốc giám sát chặt chẽ thị trường tiền tệ

bok-yonhap.jpg
Chính phủ Hàn Quốc đang giám sát chặt chẽ thị trường tiền tệ và sẽ có biện pháp can thiệp nếu thị trường phản ứng quá mức - Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc công bố ngày 22/4, đồng won giảm giá mạnh trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và đồng USD phục hồi mạnh.

Đồng won Hàn Quốc đóng cửa ở mức 1.382,2 won/USD trong phiên giao dịch 19/4, giảm 7,3% so với mức 1.288 won/USD được ghi nhận vào cuối năm 2023. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/1990, khi nước này áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái trung bình thị trường thay cho hệ thống cố định để điều tiết.

Trong cùng thời kỳ năm 2008, đồng tiền của Hàn Quốc giảm giá 6,9% so với đồng USD và mức giảm này tiếp tục ở mức 5,8% trong năm 2009.

Tuần trước, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức phải theo dõi chặt chẽ là 1.400 won/USD trong giao dịch ngày 16/4 bất chấp các cơ quan quản lý tài chính đã có động thái can thiệp gián tiếp để trấn an thị trường.

Trong cuộc họp bộ trưởng tài chính ba bên đầu tiên vào tuần trước, các nhà hoạch định chính sách tài chính của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bày tỏ “những quan ngại sâu sắc về sự mất giá mạnh gần đây” của đồng won Hàn Quốc và đồng yen Nhật. Giới hoạch định chính sách cho biết sự mất giá của đồng won gần đây có phần quá mức so với các quốc gia khác. Sự sụt giảm của đồng won Hàn Quốc là mức lớn thứ bảy trong số 26 loại tiền tệ chính trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của Fed, Chile (Chi-lê) chứng kiến đồng nội tệ giảm 10% trong năm nay, tiếp theo là Nhật Bản (9,8%), Thụy Điển (9%), Thụy Sỹ (8,5%), Brazil (Bra-xin) với 8,1% và Argentina (Ác-hen-ti-na) với 7,6%.

Một quan chức của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đang vận hành một hệ thống giám sát thị trường 24 giờ nhằm đối phó với tình hình. Mặc dù diễn biến tình hình khu vực Trung Đông có tác động lớn đến thị trường Hàn Quốc song ít có khả năng xảy ra thêm tình trạng sụt giá với đồng nội tệ. Quan chức này cho biết Hàn Quốc đã vận hành hệ thống giám sát liên bộ để theo dõi chặt chẽ diễn biến và nghiên cứu các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực có thể có của biến động thị trường tài chính đối với xuất khẩu, chuỗi cung ứng và toàn bộ nền kinh tế.

Trong phát biểu ngày 19/4, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong cho biết tỷ giá hối đoái đồng won có thể giữ ổn định nếu căng thẳng ở Trung Đông không leo thang thêm. Ông Rhee cho biết các cơ quan hữu trách đang giám sát chặt chẽ và sẽ có biện pháp can thiệp nếu thị trường phản ứng quá mức.

Cùng chuyên mục
Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh