Các nhà đầu tư, nhà thầu trúng thầu các dự án cao tốc Bắc-Nam

(BKTO) - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án với giá trị đề nghị trúng thầu là 1.788,28 tỷ đồng, thấp hơn giá trị khởi điểm 12 tỷ đồng.




Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ông Lê Kim Thành Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang-Cam Lâm theo hình thức PPP thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án với giá trị đề nghị trúng thầu là 1.788,28 tỷ đồng, thấp hơn giá trị khởi điểm 12 tỷ đồng.

Còn lại hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam khác thực hiện theo hình thức PPP gồm: Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định kết quả lựa nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này.

Theo hồ sơ mời thầu, dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm có thời gian xây dựng 2 năm; thời gian thu phí và vận hành khai thác: 16 năm 3 tháng 28 ngày.

Tổng vốn đầu tư dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình là 5.536,15 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng; phần Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 2.979,16 tỷ đồng (phần vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án - VGF khoảng 1.800,28 tỷ đồng; phần vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 1.178,88 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang-Cam Lâm dài 49,1km, điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km54+00 trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe thiết kế với vận tốc 80km/h.

Đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết đơn vị vừa tổ chức mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu 02-XL: Thi công xây dựng đoạn Km16+400-Km47+672 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết-Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Gói thầu này có 3 nhà thầu tham gia đấu thầu gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp và liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành-Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Đáng chú ý, trong 3 nhà thầu tham dự đấu thầu tại gói thầu này có sự hiện diện của hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây lắp giao thông là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành-Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 nằm cùng trong một liên danh.

Trong khi, Tập đoàn CIENCO4 là nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thuộc hàng lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khi đã hoàn thành thi công hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cầu Nhật Tân, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện,…

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng là doanh nghiệp có bề dày truyền thống khi đã tham gia đầu tư, thi công và quản lý 120km đường cao tốc (chiếm 10% số lượng đường cao tốc đang khai thác trong cả nước), gồm: Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hạ Long-Vân Đồn, Hà Nội-Lào Cai, cầu Bạch Đằng…

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây có 4 gói thầu xây lắp (01-XL, 02-XL, 03-XL, 04-XL). Trong đó, gói thầu 03-XL đã lựa chọn xong nhà thầu và thi công từ 30/9/2020, hai gói thầu khác, gồm: 01-XL và 04-XL được thi công từ 16/11/2020. Dự kiến, gói thầu cuối cùng của dự án (02-XL) sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu để thi công vào cuối tháng 12 này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25m.

Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khoảng 12.577,5 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị này vừa tổ chức mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu 14-XL: Thi công xây dựng đoạn Km318+000-Km337+478,11 (bao gồm cả khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án có 3 liên danh nhà thầu tham gia đấu thầu gồm: Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhạc Sơn-Tổng công ty Thăng Long-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính; Liên danh công ty Trách nhiệm hữu hạn Định An-Tổng công ty 319; Liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam-Công ty Trung Nam E&C.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 có 5 gói thầu xây lắp (XL-10, XL-11, XL-12, XL-13, XL-14); trong đó, gói thầu XL-11 đã lựa chọn xong nhà thầu đã thi công từ 30/9/2020, ba gói thầu khác, gồm: XL-10, XL-12 và XL-13 được thi công từ 19/11/2020. Dự kiến, gói thầu cuối cùng của dự án (XL-14) sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu để thi công vào cuối tháng 12 này.

Dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Các nhà đầu tư, nhà thầu trúng thầu các dự án cao tốc Bắc-Nam