Các thị trường châu Á phấn chấn trước triển vọng Fed hạ lãi suất

(BKTO) - Phiên chiều 26/12 các thị trường vàng, dầu, chứng khoán đều khởi sắc tại châu Á, còn đồng USD giảm về gần mức thấp nhất trong 5 tháng trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đã làm gia tăng những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào đầu năm tới.

Giá dầu và vàng khởi sắc

giao-dich-vang.jpg
Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng - Ảnh minh họa

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,48% trong phiên này và đang hướng đến mức tăng gần 2% trong năm nay, sau khi tăng 20% trong năm 2022.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,16% và vẫn là thị trường chứng khoán lớn có diễn biến tốt nhất ở châu Á với mức tăng 23% trong năm nay.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,47% do sức ép từ nhóm cổ phiếu bán dẫn.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu tăng trong phiên này, khi giới đầu tư tập trung vào những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và sự lạc quan về khả năng Fed hạ lãi suất, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.

Vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 26 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 79,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 16 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 73,72 USD/thùng.

Đà tăng cũng được ghi nhận trên thị trường vàng trong phiên này, khi các thị trường phương Tây vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ dài nhất năm và đồng USD, cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ suy yếu.

Nguyên nhân là do triển vọng ngày càng tăng về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2024.

Vào đầu giờ chiều nay, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, giao dịch ở mức 2.060,90 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,2%, đạt 2.073,20 USD/ounce.

Đánh giá về triển vọng giá vàng trong tuần này, chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng nhờ dữ liệu vừa phát hành cho thấy chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng 11/2023 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, khẳng định hơn nữa kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ.

Giới đầu tư vẫn đang xem xét số liệu mới đây cho thấy giá cả tại Mỹ đã giảm trong tháng 11, đánh dấu lần đầu tiên giá giảm trong hơn ba năm rưỡi qua.

Giới đầu tư đang phấn khởi trước những tín hiệu gần đây từ Fed về triển vọng lãi suất. Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 13/12, Fed phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ có thể đã kết thúc, mở ra khả năng hạ lãi suất trong năm tới.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường hiện đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2024 là 75%.

Cũng theo dự đoán của thị trường, Fed có thể hạ lãi suất hơn 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt, mở đường cho giảm lãi suất

fed-afp.jpg
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC - Nguồn: TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà kinh tế nhận định lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới, đưa lạm phát về mức bình thường lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tại một nhóm nền kinh tế vốn chứng kiến lạm phát tăng vọt sau đại dịch Covid-19 đã hạ về mức hàng năm 2,2% trong kỳ 3 tháng kết thúc vào tháng 11 vừa qua. Nhóm nền kinh tế này bao gồm Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi. Theo báo cáo, đến cuối năm 2024, lạm phát bình quân ở nhóm nền kinh tế này sẽ giảm về mức bằng hoặc gần bằng mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương lớn.

Cố vấn cấp cao Michael Saunders của công ty nghiên cứu Oxford Economics dự báo đến quý 4/2024, lạm phát sẽ giảm còn 1,3% ở khu vực eurozone; 2,7% ở Anh; và 2,2% ở Mỹ. Theo số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi, PCE Mỹ tăng 2,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. PCE lõi tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức tăng hàng năm 1,9% trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Cả Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều đặt mục tiêu lạm phát là 2%.

“Những yếu tố chung kéo lạm phát xuống là giá thực phẩm, năng lượng và hàng hoá toàn cầu giảm xuống và chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng điểm khác biệt khiến lạm phát sẽ giảm nhanh hơn về mục tiêu ở eurozone là việc Mỹ và Anh đối mặt với áp lực lớn hơn từ sự thắt chặt của thị trường lao động. Sự thắt chặt này đang được giải toả một cách chậm chạp”, ông Saunders nhận định.

Lạm phát hạ nhiệt, cùng với tăng trưởng giảm tốc hoặc rơi vào trì trệ ở các nền kinh tế lớn, là những nhân tố sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc hôm 13/12, Fed phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. “Nền kinh tế Mỹ đang vận hành tương đối tốt. Điều kiện tài chính đã nới lỏng. Lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện” - trưởng nghiên cứu kinh tế Neil Dutta của công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research cho biết. Trong bối cảnh như vậy, vị chuyên gia dự báo Fed có thể giảm lãi suất 3-4 lần trong năm tới, thay vì giảm tới 6 lần như kỳ vọng của thị trường. “Nhưng đó là điều tốt, vì có vẻ nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, ông Dutta nhấn mạnh.

Triển vọng Fed hạ lãi suất đã đẩy giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và lợi suất giảm xuống, qua đó giúp giảm lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp và người mua nhà ở Mỹ. Người đi vay ở châu Âu có thể sẽ phải đợi lâu hơn để được hưởng mức lãi suất giảm, vì họ vay nhiều hơn từ các ngân hàng thay vì từ thị trường vốn, và lãi suất cho vay của các ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương - theo ông MacAdam. Vị chuyên gia nhận định lãi suất ngân hàng ở eurozone sẽ không giảm mạnh trước quý 2 sang năm, và ở Anh thậm chí sẽ còn muộn hơn vì lạm phát dai dẳng hơn.

Cùng chuyên mục
Các thị trường châu Á phấn chấn trước triển vọng Fed hạ lãi suất