Trong lĩnh vực ngân hàng với quy mô rộng khắp, cơ cấu tổ chức khá phức tạp thì việc triển khai, vận hành KTNB một cách hiệu quả là thách thức không nhỏ. Để KTNB thực hiện đúng chức năng và mang lại những giá trị gia tăng cho ngân hàng thì việc đánh giá hiệu quả, hiệu lực KTNB trong các ngân hàng thương mại là vô cùng quan trọng.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA), KTNB là một hoạt động tư vấn và đảm bảo khách quan, độc lập được thiết kế để tăng thêm giá trị và cải thiện hoạt động của tổ chức. KTNB giúp một tổ chức hoàn thành các mục tiêu của mình bằng cách đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống, có kỷ luật để đánh giá và cải thiện hiệu quả của quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị quy trình. Những “đặc điểm tiêu chuẩn” này phải được xác nhận lại hằng năm, đánh giá định kỳ và báo cáo cho nhà quản trị cấp cao. Bằng cách duy trì đối thoại với các bên liên quan, chức năng KTNB có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu thông tin.
Trong lĩnh vực ngân hàng, hệ thống dữ liệu và mức độ kết nối từ các phòng giao dịch, chi nhánh rất cao nên nếu xảy ra rủi ro thì dễ dàng lan rộng trong toàn hệ thống. Do đó, các ngân hàng cần thực hiện thường xuyên các biện pháp kiểm soát để tránh những rủi ro, qua đó đánh giá về hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống, trong đó có KTNB. Để đánh giá về hiệu quả và độ tin cậy của chức năng KTNB, trong chu trình giám sát và đánh giá giám sát hằng năm, các ngân hàng thương mại cần tập trung vào các mảng chính:
Thứ nhất, KTNB đã có được sự độc lập với Ban Điều hành hay chưa và sự khách quan của kiểm toán viên đã được bảo vệ đúng cách bằng cách trực tiếp truy cập và báo cáo với cơ quan quản lý.
Thứ hai, KTNB đã được cung cấp đầy đủ các nguồn lực (về nhân sự, năng lực, kỹ năng và chuyên môn) để thực hiện các nhiệm vụ hay chưa? Kế hoạch hằng năm có đáp ứng đầy đủ tất cả các lĩnh vực cần thiết, bao gồm quản lý rủi ro đặc biệt trong việc tuân thủ quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP).
Thứ ba, chức năng KTNB đã được trao quyền đúng cách để thi hành một cách kịp thời với sự cam kết của hội đồng quản trị, các hành động khắc phục cần thiết để giải quyết những điểm yếu đã được phát hiện.
Trên cơ sở ba điểm cần lưu ý trên, định kỳ Ủy ban Kiểm toán hoặc Ban Kiểm soát sẽ đánh giá hiệu lực, hiệu quả KTNB với các nội dung: Một là, những người đứng đầu bộ phận KTNB cần được bổ nhiệm một cách phù hợp, bao gồm các tiêu chí như: danh tiếng, kinh nghiệm, độc lập/mâu thuẫn quyền lợi và cam kết thời gian; Hai là, đánh giá lại toàn bộ các hoạt động của KTNB bao gồm các yếu tố khuôn khổ về rủi ro như: loại rủi ro và các quy trình và phương pháp đo lường và quản lý, giám sát rủi ro; Ba là, đánh giá tính đầy đủ của chức năng KTNB theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia và quốc tế; Bốn là, đánh giá khả năng tương thích rủi ro chính và đề xuất các kế hoạch quản lý. Các rủi ro được quan tâm đánh giá như: rủi ro tín dụng, rủi ro về tỷ giá hối đoái, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác; Năm là, đánh giá về phương pháp tiếp cận và thực hiện của KTNB, bao gồm: việc giám sát liên tục và cải thiện môi trường làm việc trong ngân hàng, xác định và giám sát các rủi ro mà ngân hàng gặp phải, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, ban hành khuyến nghị để loại bỏ các bất thường, tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả; Sáu là, đánh giá khả năng cảnh báo rủi ro, đưa ra những giải pháp phòng ngừa của KTNB bên cạnh đánh giá hiệu quả và năng suất của hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Hoạt động quản lý, đánh giá về hiệu lực và hiệu quả của bộ phận KTNB trong ngân hàng thương mại cần được quy định rõ bằng văn bản với điều lệ hoạt động cụ thể, bao gồm: được tiến hành bởi tổ chức hoặc cá nhân nào đó có thẩm quyền; cách thức, tiêu chí đánh giá; tần suất kiểm tra, đánh giá... Hoạt động đánh giá bộ phận KTNB cũng cần được tiến hành định kỳ và quan tâm tới sự phù hợp của người đứng đầu bộ phận này với hiệu quả hoạt động, cách thức hoạt động của toàn bộ phận.
Trong việc kiểm tra cách thức hoạt động, KTNB cần quan tâm tới cách thức đánh giá rủi ro và đưa ra các kiến nghị về khả năng cảnh báo, giải pháp ngăn ngừa rủi ro. Đối với việc đánh giá hiệu lực của bộ phận KTNB, các ngân hàng thương mại phải quan tâm tới việc thực hiện các chức năng kiểm toán có đầy đủ hoặc có vi phạm nào không?
Như vậy, chức năng KTNB được đánh giá là đáng tin cậy trong việc giám sát hằng ngày bởi nó thực sự độc lập, trao quyền và có thể đưa ra các điểm yếu với nhà quản trị, đồng thời thực thi các khuyến nghị của mình trong ngân hàng. KTNB có thể thiết lập được một kênh truyền thông hai chiều hiệu quả với các ngân hàng thương mại, qua đó cả hai bên đều có lợi từ các cuộc thảo luận minh bạch về các khu vực rủi ro được xác định và các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thực tế của ngân hàng.
ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Khoa Kế toán, Kiểm toán (Học viện Ngân hàng)
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019