Liên tục cải thiện thứ hạng trong khu vực và trên thế giới
Nếu so với 4 năm trước, Chỉ số này đã tăng tới 69 bậc (từ vị trí thứ 96 năm 2016 lên vị trí 27 của năm 2019 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng).
Chỉ số tiếp cận điện năng được Doing Business của WB đánh giá theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện.
Với kết quả trên, Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng cao trên thế giới. Năm 2019, Chỉ số tiếp cận điện năng khu vực ASEAN đã chứng kiến sự tụt hạng của một số quốc gia như: Singapore từ vị trí thứ 16 xuống vị trí thứ 19 thế giới, Philippines tụt xuống đứng thứ 6 khu vực sau Brunei. Để tiếp tục duy trì việc tăng điểm số Chỉ số tiếp cận điện năng và cải thiện dịch vụ khách hàng năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ điện năng cấp độ 4.
Theo đó, số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện đã có những chuyển biến tích cực, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về các chỉ số thành phần này. Nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia Hiệp định.
Để tiếp tục duy trì thứ hạng hiện có và có điểm số tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua, ngành điện đã liên tục quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số trong công tác dịch vụ khách hàng như: 100% các dịch vụ cung cấp điện năng đều được thực hiện trực tuyến tương đương với dịch vụ công cấp độ 4, giờ đây mọi thủ tục từ đăng ký dịch vụ đến ký kết hợp đồng và thanh toán khách hàng đều có thể thực hiện trực tuyến 100%. Đồng thời, ngành điện luôn hướng tới sự đa dạng các kênh thông tin đảm bảo công khai, minh bạch hơn nữa về các quy định, thủ tục của ngành điện. Các website chăm sóc khách hàng, giải đáp trực tiếp qua đường dây nóng 24/24h của các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN trên toàn quốc, các ứng dụng di động chăm sóc khách hàng luôn được phát triển và vận hành hiệu quả.
Dịch vụ khách hàng là điểm chốt để nâng bậc
Năm 2019, ngành điện đã cải tiến thêm một bước nữa trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc triển khai cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Theo đó, từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện như: nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ… đều được triển khai cung cấp đến khách hàng sử dụng điện. Để đáp ứng yêu cầu vận hành, EVN đã triển khai xây dựng quy trình cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử và nâng cấp các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.
Cũng trong năm 2019, ngoài việc triển khai giao dịch qua phương thức điện tử, dịch vụ cung cấp điện sẽ hoàn thiện kết nối 3 dịch vụ, gồm: đăng ký và cấp mới khách hàng trung áp, đăng ký và cấp mới khách hàng hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo lãnh đạo EVN, từ tháng 9/2019, dịch vụ đã được triển khai thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức cung cấp thực tế trên phạm vi cả nước trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, EVN cũng đã kết nối để đưa dịch vụ điện lên các website cung cấp dịch vụ công trực tuyến/Trung tâm hành chính công ở tất cả các tỉnh/thành phố.
Những nỗ lực triển khai đa dạng, đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá trong công tác chăm sóc khách hàng đã giúp đưa các dịch vụ điện đến gần thêm với DN và người dân. Đây là những điểm được WB ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời, việc rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục và đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các dịch vụ của ngành điện đến với khách hàng đã giúp Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng về điểm số trong 6 năm liên tục.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực không ngừng của ngành điện nhằm mang tới cho các khách hàng chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn, nhiều chuyên gia đồng quan điểm dư địa để cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam không còn nhiều do đã đạt tới ngưỡng cao. Dự báo được các chuyên gia đưa ra là thứ hạng của Chỉ số này trong những năm tới có thể tăng nhẹ mà cũng có thể giảm. Do đó, những kết quả cao đã đạt được cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực và thách thức cho ngành điện trong việc tiếp tục cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng trong thời gian tới.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019