Cải thiện tình trạng dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc, trí tuệ người Việt

(BKTO) - Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khỏe, bệnh tật. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ để đầu tư hợp lý cả về nhận thức lẫn hành vi tiêu dùng cho vấn đề dinh dưỡng đang là vấn đề cấp bách của xã hội phát triển.



Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế về Dinh dưỡng người Việt diễn ra mới đây, GS.TS. Lê Thị Hợp- Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, như: cải thiện chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, sức khoẻ bà mẹ trẻ em được đầu tư đích đáng hơn, tuổi thọ được nâng lên và đã có nhiều giải pháp hiệu quả đối với các dịch bệnh. Đơn cử như tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta đã cải thiện đáng kể. Năm 2017 còn 24,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi và 13,4% suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (so với 59% và 52% năm 1985).

Tuy nhiên, hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm. Tầm vóc, thể lực của người Việt chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của xã hội thì các nguy cơ mới về sức khoẻ đến từ thói quen ăn uống như: ăn uống mất cân bằng, khẩu phần ăn quá nhiều đạm động vật, sử dụng đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dùng nhiều đường tinh luyện dẫn tới bùng phát các bệnh mạn tính không lây (như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư, loãng xương…).
                
   

Bữa ăn gia đình cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cân đối- Ảnh: ST

   
Theo GS. Nguyễn Hưng Củng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 94.000 người chết vì ung thư và có đến 60% số ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm. Người cao huyết áp ở Việt Nam chiếm tới 38%, trung bình cứ 10 người thì lại có 4 người bị cao huyết áp; tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim… tại Việt Nam ngày càng tăng lên và trẻ hóa. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em béo phì đang gia tăng đáng báo động tại Việt Nam.

“Những con số này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đây là những viện dẫn liên quan đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng của người Việt. Chúng ta đang ăn quá nhiều mỡ, các thực phẩm giàu cholesterol và ăn ít xơ. Đây chính là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…”- GS. Củng nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khoẻ, bệnh tật trong các giai đoạn của vòng đời. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với 3 vai trò chính gồm: tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khoẻ tốt; phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; khôi phục sức khoẻ sau thời kỳ bệnh tật, thương tích. Chính vì vậy, đầu tư cho dinh dưỡng xuyên suốt vòng đời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ, để đầu tư hợp lý cả về nhận thức, lẫn hành vi tiêu dùng cho vấn đề dinh dưỡng đang là vấn đề cấp bách của xã hội phát triển.

Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và một chế độ chăm sóc bảo vệ sức khỏe bền vững. Quyết định số 226/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nêu rõ: Bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian qua, đã có nhiều chương trình được triển khai nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, tuy nhiên còn thiếu các đề án dành riêng cho người lao động đặc biệt là nữ công nhân, người cao tuổi, hỗ trợ cho người luyện tập thể dục thể thao cũng như chưa xây dựng đầy đủ các chính sách nhằm kiểm soát yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm. Dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, người bệnh, người cao tuổi...chưa được quan tâm đúng mức. Đây là những khoảng trống trong công tác dinh dưỡng cần được đầu tư bài bản với những biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tốc độ cải thiện thể lực, chiều cao, trí tuệ nói riêng, sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống người Việt nói chung.

N. KIM
Cùng chuyên mục
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc, trí tuệ người Việt