Chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ
Ngành Dệt may Việt Nam là ngành đông lao động nữ, chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành. Với đặc thù công việc, nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã có nhiều mô hình hay, giải pháp mới.
Tham luận tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Công đoàn ngành đã chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ bằng những việc làm thiết thực mà điển hình là xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ” với nhiều chỉ tiêu và giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lao động nữ; ký kết Thỏa ước Lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ; thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đồng hành, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Công đoàn ngành cũng có các giải pháp nhằm tạo môi trường học tập, thi đua gắn với bản sắc và tự hào nghề nghiệp cho lao động nữ. Ngoài ra, Công đoàn ngành còn có nhiều mô hình mới, sáng tạo trong đồng hành cùng lao động nữ tổ chức cuộc sống gia đình, giữ lửa hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…
Công đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống công đoàn toàn quốc có giải thưởng riêng cho lao động nữ mang tên bà tổ nghề May Nguyễn Thị Sen dành tặng những lao động nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Ngành.
Tại Đại hội, đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các Bộ, ngành tiếp tục nâng cao quyền lợi cũng như đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Quan tâm, kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc thì có thể tìm kiếm được những công việc phù hợp, tăng thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp người lao động giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.
Công đoàn ngành cũng đề nghị Chính phủ quan tâm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp lao động nữ nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động trong đó có lao động nữ; phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ công nhân viên chức lao động xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con; tham gia xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, việc làm của lao động nữ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động có hoàn cảnh đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh
Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Cần Thơ Lê Thị Sương Mai cho biết, Công đoàn thành phố có 546 Ủy ban Kiểm tra với tổng số 2.295 cán bộ làm công tác kiểm tra. Thời gian qua, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn, nhất là cấp cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp.
Công tác kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm nhằm kết luận rõ đúng, sai, xác định rõ vi phạm, thông qua đó có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ đoàn viên trong việc chấp hành, tổ chức thực hiện nghiêm Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có quy định về khen thưởng đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương có hướng dẫn, cơ chế trong việc giải quyết vụ việc không chấp hành đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật chiếm dụng kinh phí Công đoàn, quản lý sử dụng tài chính Công đoàn không đúng quy định pháp luật.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Cần Thơ Lê Thị Sương Mai
Đề ra giải pháp để khắc phục và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, bà Lê Thị Sương Mai kiến nghị cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của tổ chức Công đoàn về công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ Công đoàn nói chung và cán bộ Ủy ban kiểm tra nói riêng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, giúp cho cán bộ Công đoàn các cấp hiểu rõ đây là một trong những nhiệm vụ xây dựng và phát triển niềm tin của đoàn viên, củng cố, kiện toàn và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra; lựa chọn nội dung kiểm tra phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm nguyên tắc và quy trình kiểm tra, vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của đoàn kiểm tra và trưởng đoàn kiểm tra; giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra.
Đổi mới và nâng cao nhận thức của Công đoàn các cấp về vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra… Tăng cường công tác khai thác và xử lý thông tin qua nhiều kênh, nhất là qua phản ánh của đoàn viên để kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tự rèn luyện, nâng cao kiến thức về lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hóa xã hội, có đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ kiểm tra.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Công đoàn
Chuyển đổi số đã trở thành công cuộc toàn dân, toàn diện, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội, trở thành động lực chính để phát triển Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, là phương thức phát triển mới để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn các cấp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự thịnh vượng của một quốc gia. Tổ chức Công đoàn các cấp đã cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương lan tỏa nhận thức và tinh thần này đến các đoàn viên và toàn xã hội.
Việc xây dựng “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và xác định việc ban hành “Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn” là chuyên đề để triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023 - 2028 trong Văn kiện Đại hội đã thể hiện quyết tâm của các cấp Công đoàn cũng như của hơn 11 triệu đoàn viên đối với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Đây được xem là một trong những giải pháp mới, tối ưu; không những chăm lo mà còn phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng, để thực hiện thành công "Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030", các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số phải được quan tâm hàng đầu để thay đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức. Tiếp đó Công đoàn cần đưa ra những yêu cầu, đặt ra những bài toán, hay cụ thể là nói rõ mình cần gì, muốn gì để doanh nghiệp công nghệ số thực hiện.
Theo ông Phạm Quang Hưởng, Công đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn; sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung; sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo hỗ trợ đoàn viên và cán bộ công đoàn. Cùng với đó, xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến - mạng xã hội học tập để đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Đây cũng là một sàn thương mại điện tử để đoàn viên, người lao động có thể mua được hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp và lại bán được cả sản phẩm làm thêm của mình…