VCCI đánh giá, Dự thảo Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện về Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó nhận diện chính xác những vấn đề còn tồn tại trong bản thân Nghị quyết và việc triển khai thực thi Nghị quyết này. Các kiến nghị chính sách khá hợp lý và thuyết phục sẽ rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng các chính sách dài hơi tiếp theo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy vậy, để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo hơn, VCCI kiến nghị cân nhắc, xem xét một số nội dung.
Trước hết, một số nhận định về kết quả giữa kỳ Chương trình Cải cách quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Việt Nam cần được xem xét và bổ sung thêm.
Cụ thể, về số lượng văn bản được sửa đổi trong giai đoạn 2020-2023, Báo cáo có đưa ra nhận định “về loại công cụ pháp lý được sử dụng, thông tư và nghị định là những công cụ được sử dụng nhiều nhất, chiếm 31% và 66% tổng số. Điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành”.
VCCI cho rằng, đây là nhận định chưa có tính phát hiện, bởi vì hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thì 100% đều là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, vì vậy, loại hình thức văn bản pháp lý nào cũng sẽ liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành cả.
Bên cạnh đó, tỷ lệ 97% văn bản được sửa đổi là ở cấp thông tư, nghị định có thể cho thấy, những sửa đổi chính ở các văn bản ở cấp thi hành, áp dụng trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, vì vậy, khi sửa đổi các quy định ở cấp văn bản này thì sẽ áp dụng ngay trong thực tế mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn.
Mặt khác, tỷ lệ trên cho thấy các đề xuất sửa đổi ở cấp luật chỉ chiếm chưa đến 3%, điều này cũng có thể đưa đến quan ngại. Đó là, có nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập, cản trở xuất phát từ quy định của luật, nên nghị định, thông tư có muốn cải cách hay cắt giảm sẽ chịu ràng buộc ở quy định luật, không thể vượt quá. Vì vậy, nếu không sửa đổi ở luật thì trong một vài trường hợp, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa sẽ không có tính đột phá.
Do đó, VCCI đề xuất Dự thảo Báo cáo có thể xem xét và cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung trên.
Về cơ cấu các quy định kinh doanh được đơn giản hóa, Dự thảo Báo cáo nhận định về các loại quy định được đơn giản hóa hoặc loại bỏ chủ yếu, trong đó tập trung phần lớn ở thủ tục hành chính, tiếp theo là quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu báo cáo và kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhận định này mới chỉ đưa ra con số về loại quy định được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ mà chưa nhận diện sâu hơn về những loại quy định nào được bãi bỏ. Từ đó có thể đưa ra đánh giá về mức độ tác động của việc đơn giản hóa hoặc loại bỏ quy định kinh doanh; hoặc phần nào nhận diện về tính thực chất của các hoạt động có tính cải cách này.
Theo quan sát của VCCI, trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến thủ tục hành chính, các đề xuất chủ yếu là: bãi bỏ yêu cầu phải cung cấp các loại giấy tờ trong hồ sơ thực hiện thủ tục mà cơ quan giải quyết thủ tục có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước (loại tài liệu được bãi bỏ nhiều nhất là yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); giảm số lượng hồ sơ; giảm số ngày thực hiện thủ tục; bổ sung thêm phương thức thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử.
Về cơ bản, những đề xuất này sẽ tạo thuận lợi phần nào cho các đối tượng thực hiện thủ tục, tuy nhiên chưa thực sự có tính đột phá, cải cách. Bởi lẽ, doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng cắt bỏ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà ngay trong các quy định về thủ tục hành chính cũng cần có những quy định có tính cải cách mạnh hơn. Ví dụ: cần phải bỏ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích thay vì đề xuất đơn giản hóa theo hướng giảm thời gian xem xét thời hạn hợp lệ của hồ sơ từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc và bổ sung thêm hình thức thực hiện thủ tục theo hình thức trực tuyến.
Góp ý đối với phần khuyến nghị chính sách, VCCI cho biết, về kiến nghị “cải cách cấp phép cần được hỗ trợ bởi cải cách về kiểm tra”, nội dung này đang chưa rõ về kiến nghị. Do đó, Dự thảo Báo cáo cần viết rõ hơn về kiến nghị này.
Về kiến nghị “làm rõ danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư”, theo VCCI cần xem xét lại nội dung này ở các điểm: hiện nay việc xem xét điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khá rõ ràng và Luật Đầu tư đã yêu cầu công bố công khai. Các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể ở pháp luật chuyên ngành chứ không phải là trong Luật Đầu tư. Vì vậy, nhận định việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng áp dụng phân loại các hoạt động kinh tế dường như chưa thực sự phù hợp.
Mặt khác, việc xác định ngành nghề nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho ra hay bỏ vào Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là Chính phủ.
Về kiến nghị “xây dựng khuôn khổ pháp lý theo chiều ngang cho việc cấp giấy phép kinh doanh”, VCCI cho rằng cần xem lại về tính khả thi.
Bởi lẽ, theo VCCI, trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh đều quy định riêng tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và tuân thủ nguyên tắc quy định về thủ tục hành chính. Luật Đầu tư đang quy định, các yêu cầu nào mà doanh nghiệp phải đáp ứng và phải xin phép mới được hoạt động kinh doanh đều được xem là giấy phép kinh doanh. Còn việc gọi theo tên gọi nào, dường như không quá quan trọng và không ảnh hưởng đến bản chất của loại giấy phép. Các yêu cầu về thủ tục hành chính cũng đã được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP./.