Cần "công bằng, hợp lý, bền vững" trong sử dụng nước Mekong

(BKTO) - Ngày 5/4, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng. Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long…



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị MRC. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng 4 nước thành viên Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và Bộ trưởng Môi trường Myanmar là hai nước đối tác đối thoại của Ủy hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng Uỷ hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông, cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Ủy hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thống nhất công thức đóng góp niên liễm hằng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong, nhất trí Ủy hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong-Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội.

Từ đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Ủy hội thời gian tới gồm có việc tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành, thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính, thực hiện tất cả các thủ tục của Ủy hội nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hợp lý và công bằng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mekong là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước.

Thủ tướng nhấn mạnh quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người.

“Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị MRC tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.

Về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy hội cần tập trung ưu tiên tăng cường việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên, xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hoà quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung, tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mekong và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

“Hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác, hành động để sông Mekong mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực”, Thủ tướng bày tỏ.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, Ủy hội đã tổ chức hội thảo quốc tế trong hai ngày 2-3/4 và Hội nghị Bộ trưởng ngày 4/4. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng, ngoài Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mekong quốc gia còn có các đại diện của hai nước đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mekong.

Theo ĐỨC TUÂN
chinhphu.vn
Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia
    6 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba tại Siem Reap, Campuchia, ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
  • Chủ tịch nước tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith
    6 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Sáng 30/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29-31/3/2018 tại Hà Nội.
  • Củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba
    6 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Trao đổi về quan hệ song phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Raul Castro Ruz bày tỏ vui mừng về mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
  • Tổng Bí thư gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Cuba
    6 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thân ái tới toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cháu lưu học sinh Việt Nam tại Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo một số nét cơ bản về tình hình kinh tế- xã hội, những thành tựu đất nước đạt được trong năm qua và những mục tiêu, giải pháp mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung thực hiện...
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tại TP Arnhem, Hà Lan
    6 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Sáng nay, 28/3 giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, tại TP Arnhem, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã tới thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan và làm việc với lãnh đạo Tổ chức Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra).
Cần "công bằng, hợp lý, bền vững" trong sử dụng nước Mekong