Cần đảm bảo sự đồng bộ khi luật định về vai trò, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán thuế

(BKTO) - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27. Để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ của Dự thảo Luật Quản lý thuế với pháp luật về KTNN, KTNN đã có ý kiến tham gia góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.




Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trước UBTVQH - Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 27/7/2018, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) có văn bản số 8991/BTC-TCT xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, tại Điều 21 Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN như sau:

“1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế;

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán nhà nước ban hành.”


Có thể thấy, quy định như trên là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Luật NSNN năm 2015 và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Quản lý thuế (Dự thảo 5) tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ ngày 5/9/2018 của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và Dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 20/9, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN thể hiện tại Điều 22 thay đổi như sau:

“1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.

2. Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế.”


Có thể khẳng định, quy định như Điều 22 là chưa phù hợp với Điều 118 của Hiến pháp, trái với Luật KTNN năm 2015 và Luật NSNN năm 2015.

Cụ thể, khoản 1, Điều 22, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi (Dự thảo 5) quy định KTNN “Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước”, là chưa toàn diện, chưa sát đối tượng kiểm toán. Theo Điều 118 Hiến pháp 2013 và Điều 4 Luật KTNN năm 2015 thì đối tượng kiểm toán của KTNN là “việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Luật NSNN năm 2015 (tại khoản 14 Điều 14) cũng quy định: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước…” mà NSNN lại thuộc tài chính công (được quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật KTNN năm 2015). Vì vậy, khi kiểm toán thu NSNN là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, đồng thời bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế. Ngoài ra, KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật KTNN năm 2015.

Mặt khác, KTNN kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có nghĩa là ở đâu có tài chính công, tài sản công là ở đó phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng; bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn cho đến các hoạt động quản lý, sử dụng. Do vậy, thuế là nguồn thu của NSNN nên nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế cần phải được kiểm toán.
Bên cạnh đó, theo Tuyên bố Lima và thông lệ các nước cho thấy, việc kiểm toán thuế được thực hiện toàn diện bao gồm cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.

Theo các quy định hiện hành, KTNN và Thanh tra nhà nước đều là các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về nghĩa vụ thu, nộp thuế. Trong đó, hoạt động kiểm toán của KTNN là hoạt động ngoại kiểm còn hoạt động của Thanh tra nhà nước là hoạt động nội kiểm của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 23 Dự thảo Luật quy định Thanh tra nhà nước thực hiện thanh tra việc quản lý thuế và nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, trong khi đó khoản 1 Điều 22 quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm toán các hoạt động của cơ quan quản lý thuế. Điều này cho thấy các quy định trên chưa tương xứng, đồng bộ và chưa phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cơ quan.

Do vậy, để bảo đảm phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, khách quan của KTNN, việc thực hiện ngoại kiểm đối với việc thu và nộp thuế sẽ bảo đảm tốt việc chống thất thu ngân sách, làm minh bạch, bình đẳng đối với người nộp thuế, do vậy, cần giữ nguyên nội dung dự thảo: “Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế.”

Tiếp đó, khoản 2 Điều 22 (Dự thảo 5) quy định “Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế.”

Về nội dung này, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Luật KTNN năm 2015 quy định, cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán (tại Điều 55); giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đặc biệt, tại Điều 22 Dự thảo Luật Quản lý thuế cho thấy, quy định tại khoản 2 mâu thuẫn với chính khoản 1 của Điều này, do khoản 2 quy định về “báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế” nhưng khoản 1 chỉ quy định việc “thực hiện kiểm toán đối với cơ quan quản lý thuế”.

Với những lý do trên, tại Luật Quản lý thuế cần quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN như đã đề cập tại Dự thảo kèm theo văn bản số 8991/BTC-TCT, đó là:

“1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế;

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán nhà nước ban hành.”


Quy định như vậy là phù hợp với vai trò đã được hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN; phù hợp với quy định hiện hành về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán của KTNN.

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) -Để đạt mục tiêu đẩy mạnh và phổ biến hơn nữa việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” diễn ra mới đây, các DN, các tổ chức tín dụng và các nhà quản lý đã tập trung bàn thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi thói quen của người dân…
  • Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42: Nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố…là những kết quả nổi bật được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg về xử lý nợ xấu, diễn ra ngày 28/8.
  • ASEAN và Việt Nam cùng đạt nhiều thành tựu kinh tế nổi bật
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tháng 8/2018 là dấu mốc tròn 51 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, đồng thời Việt Nam cũng đã trải qua 23 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức ASEAN.
  • Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 75.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo thông báo mới đây của Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong Quý III/2018, KBNN sẽ phát hành 75.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu nhằm huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
  • VAMC hướng tới mục tiêu “cầm trịch” thị trường mua bán nợ xấu
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Với mô hình chưa có tiền lệ về xử lý nợ xấu và không được sử dụng NSNN, trong quá trình hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, VAMC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xử lý nợ xấu do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, góp phần quan trọng trong việc đưa nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%.
Cần đảm bảo sự đồng bộ khi luật định về vai trò, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán thuế