Cần hỗ trợ sinh kế tốt hơn cho người khuyết tật

(BKTO) - Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh cho người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, NKT vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo sinh kế bền vững hơn.



                
   

Nhà nước cần thiết kế các chính sách việc làm, đào tạo nghề, an sinh mang tính bền vững hơn cho NKT. Ảnh: Internet

   

Những con số đáng suy ngẫm

Nói về quyền tiếp cận việc làm của NKT, ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Trưởng Ban Thanh niên, Hội NKT Hà Nội - cho biết, toàn Thành phố có trên 109.000 NKT, trong đó, trên 9.600 NKT đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng NKT còn khả năng lao động để tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 khiến cho cơ hội việc làm đối với không ít người bình thường đã khó, với NKT lại càng gặp nhiều trở ngại.

Rào cản đối với NKT là thiếu thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Ngoài ra, rào cản còn từ nhận thức của NKT và gia đình họ. Hơn nữa, điều kiện tiếp cận nơi làm việc và tiếp cận các công trình đô thị hay phương tiện giao thông công cộng với NKT, đặc biệt là NKT xe lăn và khiếm thị còn nhiều khó khăn, bất cập...

Đánh giá về việc triển khai các chính sách việc làm cho NKT, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng chỉ rõ, hiện cả nước có hơn 6,4 triệu NKT, trong đó có hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là NKT được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 NKT (năm 2021).

“Con số này khá khiêm tốn so với số NKT hiện nay. Bên cạnh đó, kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội còn chưa đáp ứng với nhu cầu của NKT. Đáng chú ý, vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Ngọc Hồi cho biết.

Cốt yếu vẫn là đào tạo nghề

Đây là chia sẻ của ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông, TP. Hà Nội khi đề cập đến vấn đề đảm bảo an sinh cho NKT. Theo ông Cường, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là dạy nghề mà đây còn là một liệu pháp giúp NKT phục hồi thương tổn, đặc biệt là những chấn thương tinh thần. Nhiều NKT cảm thấy tự tin, lạc quan hơn và có thể chủ động trong từng hành vi, cử chỉ, không còn nhút nhát mặc cảm nữa, có em còn bộc lộ năng khiếu của mình.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, để đào tạo nghề thực sự hiệu quả, cần tạo điều kiện cho chính NKT được khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, quảng bá sản phẩm của NKT, có chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, giúp NKT tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp dễ dàng hơn, quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.

Đồng quan điểm cần coi trọng việc đào tạo nghề cho NKT nhưng theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đào tạo nghề cần song hành với giới thiệu việc làm để giúp NKT tìm được việc làm phù hợp. Bởi thực tế hiện nay có rất nhiều sàn tuyển dụng nhưng sàn việc làm dành riêng cho NKT còn rất hạn chế.

Dẫn chứng thực tế, ông Thành cho biết, mới đây, Hội NKT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Sàn Giao dịch việc làm cho thanh niên khuyết tật với sự tham gia của 41 đơn vị, doanh nghiệp.

Với hơn 1.000 chỉ tiêu, các doanh nghiệp đã tuyển dụng đa dạng như: Công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nhân điện tử… Mức lương cũng khá hấp dẫn, dao động từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Sau sự kiện, rất nhiều NKT đã tìm được việc làm phù hợp. “Điều này cho thấy, việc tạo kênh kết nối giới thiệu việc làm cho NKT có ý nghĩa rất lớn” - ông Thành nhấn mạnh.

Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cũng cho biết: “Hầu hết những NKT mà chúng tôi tiếp cận đều có các hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương cũng như chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách đó mới chỉ dừng ở mức bề mặt, chưa đi vào gốc. Do đó, Nhà nước cần tổng hợp lại để có một cơ chế, chính sách cho NKT được tốt hơn”.

Cũng theo đại diện Tổ chức ActionAid, một số chính sách cần phải cập nhật trong thời đại mới, ví dụ như chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế… Đây là những chính sách rất sát sườn đối với các doanh nghiệp hỗ trợ cho NKT. “Có một điều mà chúng tôi trăn trở chưa làm được, đó là đề xuất chính sách riêng cho NKT là nữ vì họ khó khăn hơn rất nhiều lần so với NKT nam.” - bà Thảo chia sẻ./.
         
Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia NKT Việt Nam - cho biết: Ủy ban Quốc gia NKT Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là NKT, cụ thể như chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho NKT.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Nhóm giáo dục tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
  • Phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Công ty Dịch vụ Khí – đơn vị chủ trì về công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) các thiết bị trên công trình khí thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm và chỉ đạo sát sao, đạt được hiệu quả cao, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
  • Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt 558,52 tỷ USD
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
  • Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,63%
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước.
  • GDP quý III/2022 tăng trưởng 13,67%
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - 13,67% là mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước. Lý giải nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho rằng, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn tình hình hiện nay đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Cần hỗ trợ sinh kế tốt hơn cho người khuyết tật