Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính từ 300 đến 320 nghìn tỷ đồng - Ảnh minh họa: Cục Hàng hải Việt Nam |
Con số trên được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không bao gồm kinh phí đầu tư, đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng. Trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 57 nghìn tỷ đồng.
Để huy động được số vốn trên, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế và điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn bảo đảm phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, bao gồm các cảng cửa ngõ quốc tế, cảng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cả nước hoặc liên vùng, không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển.
Đồng thời, có cơ chế mới để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cả hạ tầng công cộng tại cảng biển. Đặc biệt, tăng cường vai trò của DN trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của DN.
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt khoảng 202 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư huy động đầu tư cho ngành hàng hải ngoài ngân sách Nhà nước đạt hơn 173 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 86% tổng số vốn đầu tư. |
LÊ HÒA